FDI vào bất động sản đạt chưa tới 1 tỷ USD
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 10 tháng năm 2016, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, bao gồm cả cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 17,6 tỷ USD, bằng 91,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn đăng ký mới là 12,26 tỷ USD, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm 2015, còn vốn thăng thêm là 5,34 tỷ USD, bằng 77,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, so với cùng kỳ, cả vốn FDI đăng ký thêm và cấp mới đều sụt giảm. Lý do cơ bản là vì năm nay không có nhiều dự án quy mô lớn như năm ngoái, chứ không phải vì Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn so với các địa điểm đầu tư khác trong khu vực.
Hơn thế, tuy vốn đăng ký sụt giảm nhưng giải ngân vốn FDI đạt khoảng 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất, với 842 dự án đầu tư đăng ký mới và 691 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,84 tỷ USD, chiếm 72,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng qua.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản dù đứng ở vị trí thứ hai nhưng chỉ có 46 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trên 982 triệu USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này chưa bằng một nửa so với mức thu hút 2,39 tỷ USD của cả năm ngoái.
Tính về đối tác, Hàn Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,62 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản đã vươn lên đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,92 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Còn Singapore đang đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,73 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư.