Facebook News: Sự kết hợp giữa hợp tác và cạnh tranh giữa Facebook và các nhà xuất bản truyền thống
Facebook mở rộng tính năng News tại Anh
Mới đây, Facebook đã giới thiệu tính năng Facebook News tại thị trường Anh, theo thông tin từ TechCrunch. Được biết, tính năng này sẽ cung cấp cho người dùng những nội dung tin tức đã được chắt lọc, mua từ các nhà xuất bản truyền thống.
Đây cũng là lần đầu tiên Facebook News được giới thiệu ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Trước đó, Facebook News là tính năng chuyên về tin tức được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 10/2019 với một số ít người dùng được trải nghiệm. Phải tới tháng 6/2020, tính năng này mới phổ biến rộng rãi tới người dùng Mỹ.
Điểm đặc biệt của tính năng News là nó có thể đưa người dùng trực tiếp đến danh mục nội dung tin tức cụ thể, bao gồm các bài viết được đề xuất riêng cho người dùng.
Facebook ứng dụng cả thuật toán và kết hợp với tác giả bài viết để lựa chọn nội dung hay trên tính năng của mình, ngoài ra người dùng có thể chủ động ẩn bài viết, nhà xuất bản và các chủ đề cụ thể. Bên cạnh đó, những thông tin sai lệch hoặc clickbait (bài viết câu view dẫn người đọc tới một trang web cụ thể) đều không được phép xuất hiện trên News.
Tới nay, mạng xã hội này đã đạt được thỏa thuận với các báo uy tín như The Economist, The Guardian, The Independent, Wired, Vogue và Mirror.
Facebook News ra mắt trong bối cảnh những năm gần đây, các công ty truyền thông phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận quảng cáo và doanh thu ấn bản phát hành giảm sút mạnh khi nội dung được đưa lên các nền tảng trực tuyến miễn phí, đẩy nhiều tờ báo vào tình cảnh phá sản.
News không phải là mảng kinh doanh duy nhất Facebook muốn 'lấn sân'
Không chỉ có tham vọng với lĩnh vực báo chí, trước đó Facebook đã từng muốn chinh phục lĩnh vực truyền hình thông qua tính năng Facebook Watch. Tính năng này lần đầu tiên được giới thiệu ở thị trường Mỹ vào tháng 8/2017. Một năm sau, nó được mở rộng ra nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, việc chinh phục mảng truyền hình không phải là điều dễ dàng bởi những nội dung miễn phí từ người dùng không đủ để khiến Facebook trở thành truyền hình. Để đạt được mục đích, mạng xã hội này đã chi hàng tỷ USD để mua nội dung.
Theo CNBC, Facebook đã chi 10.000 - 50.000 USD cho mỗi tập show truyền hình độc quyền, tuỳ theo chất lượng. Wall Street Journal đưa tin Facebook chi tới 1 tỷ USD để xây dựng nội dung trong năm 2018.
Facebook cũng từng gây chú ý khi đánh bại nhiều đơn vị truyền hình để đàm phán độc quyền với giải bóng đá Ngoại hạng Anh về bản quyền truyền hình giải đấu trong ba mùa liên tục từ tháng 8/2019 - 8/2022 tại 4 quốc gia, gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tuy nhiên, theo SportBusiness Media, sau 8 tháng đàm phán, hai bên đã đi vào bế tắc khi có nhiều bất đồng không thể thống nhất. Sau đó, Facebook và giải Ngoại hạng Anh đã quyết định không tiếp tục đàm phán.
Trước đó, Facebook đã bắt tay với Fox Sports mua bản quyền các trận đấu trong khuôn khổ UEFA Champions League mùa giải 2017 - 2018.
Mạng xã hội này cũng nắm trong tay bản quyền phát sóng trên nền tảng của mình đối với giải bóng chày Mỹ - Major League Baseball và hàng loạt chương trình thể thao dưới dạng trực tiếp khác. Người dùng Facebook xem các chương trình này miễn phí tại một số quốc gia.
Gần đây nhất, Facebook đã cho ra mắt tính năng Facebook Shop vào giữa năm 2020, cho phép doanh nghiệp tạo gian hàng ảo với danh mục sản phẩm để bán hàng trên toàn bộ nền tảng Facebook và Instagram, cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng mua sắm trực tuyến lâu đời như Amazon, eBay, Etsy...
Theo đánh giá của Business Insider, nỗ lực của Facebook trong việc chuyển sang thương mại điện tử là phù hợp xu thế, nhưng tương đối mạo hiểm và nhiều rủi ro bởi Facebook từng vướng phải rất nhiều tai tiếng liên quan tới thông tin cá nhân người dùng và tin giả.
Bên cạnh đó, vẫn còn nguy cơ xuất hiện nhiều nội dung độc hại, các mặt hàng cấm, vi phạm pháp luật tràn lan trên nền tảng mà không có sự kiểm duyệt chặt chẽ từ nhà cung cấp.
Sự kết hợp giữa hợp tác và vừa cạnh tranh giữa Facebook và các nhà xuất bản truyền thống
Chưa rõ Facebook News bao giờ mới ra mắt người dùng Việt Nam nhưng theo TechCrunch, nhà mạng xã hội này nhấn mạnh sản phẩm mới là một dự án đầu tư lâu dài nhằm đưa báo chí truyền thông tiếp cận với thế hệ độc giả mới cũng như mang đến cho các nhà xuất bản nhiều cơ hội quảng cáo và hợp đồng đặt mua dài hạn hơn.
Nếu xuất hiện tại Việt Nam và tiếp tục duy trì mô hình như đang làm tại Anh, Facebook có thể sẽ duy trì trạng thái song song hợp tác và đấu tranh với những đơn vị xuất bản. Facebook sẽ chi tiền để mua lại tin tức ở những hãng tin này (hợp tác), nhưng cũng đồng thời cạnh tranh trực tiếp ở phần doanh thu từ các hợp đồng quảng cáo (cạnh tranh).
Từ vài năm trở lại đây, các kênh truyền thông xã hội như Google hay Facebook đã và đang gây nên áp lực cạnh tranh lớn cho các kênh tin tức truyền thống, đặc biệt ở phần doanh thu từ các hợp đồng quảng cáo.
Các kênh tin tức sử dụng Facebook như một kênh truyền thông. (Ảnh: Chụp màn hình).
Theo số liệu từ Công ty quảng cáo trực tuyến ANTS, thời điểm năm 2010, doanh số thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đạt 26 triệu USD, thị phần chủ yếu thuộc về các báo điện tử và trang thông tin trực tuyến, Google chỉ chiếm một phần nhỏ còn Facebook hầu như chưa có doanh thu.
Đến năm 2018, với doanh số thị trường quảng cáo trực tuyến đạt 550 triệu USD, trong đó Google và Facebook nắm giữ 70% thị phần, số còn lại thuộc về báo điện tử và trang thông tin trực tuyến cùng các mạng quảng cáo trực tuyến khác. Tỷ trọng này có thể thay đổi nếu như Facebook đẩy mạnh mảng News khi đã có một cơ sở người dùng tương đối lớn.
ANTS nhận định doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh lên 760 triệu USD vào năm 2020 nhưng riêng Facebook và Google vẫn sẽ giữ thị phần lớn với hơn 512 triệu USD.