|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Facebook cần một 'Mark Zuckerberg tàn nhẫn' để vượt qua thời kỳ lao dốc của ngành công nghệ

11:55 | 19/07/2022
Chia sẻ
Tỷ phú Mark Zuckerberg đã có những cảnh báo với nhân viên công ty về một viễn cảnh u ám trong thời gian tới, và chính những quyết định có phần tàn nhẫn của ông có thể trở thành thứ đưa Facebook vượt qua thời gian này.

Mới đây, CEO Alphabet Sundar Pichai đã gửi một thông điệp cho nhân viên của mình: “Nhìn về phía trước, chúng ta cần thúc đẩy tinh thần kinh doanh, làm việc khẩn trương, tập trung và khao khát hơn những gì chúng ta đã làm trước đó”, theo The Verge.

Thông điệp này không chỉ nhấn mạnh những thách thức mà các công ty công nghệ có thể đối mặt, mà còn đánh dấu sự chuyển hướng sang một giai đoạn cứng rắn và nỗ lực hơn bao giờ hết của nhóm Big Tech.

Facebook cần sự tàn nhẫn của Mark Zuckerberg. (Ảnh: The New York Post).

Lời cảnh báo của chính CEO Meta, Mark Zuckerberg đối với nhân viên vào tháng trước thậm chí còn u ám hơn: “Thực tế, có lẽ rất nhiều người không nên làm việc tại Meta. Một số người chọn cách rời đi, và tôi chấp nhận điều này”.

Theo Bloomberg, việc một CEO của một trong những công ty hàng đầu thế giới như Mark Zuckerberg nhận xét như vậy có thể sẽ không vừa ý tất cả mọi người. Xét cho cùng, các công ty công nghệ thường hoạt động giống như nhân viên nirvanas, trả lương cao và cung cấp các đặc quyền xa xỉ, từ các bữa ăn phục vụ cho đến các buổi hòa nhạc miễn phí.

Tuy nhiên, sự cứng rắn hơn là điều cần thiết cho ngành công nghệ vào lúc này. Lĩnh vực công nghệ đã bước vào kỷ nguyên thiếu ổn định, được đánh dấu bằng các đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ từ đầu năm cũng như việc Big Tech tạm dừng kế hoạch tuyển dụng.

Thậm chí, các công ty truyền thông xã hội như YouTube của Google, Facebook và Instagram cũng đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn, trong khi vừa phải cố gắng cải tiến sản phẩm để cạnh tranh với đối thủ TikTok của ByteDance.

Những lời cảnh báo từ CEO Alphabet và CEO Meta không chỉ tạo ra triển vọng u ám với các công ty công nghệ trong phần còn lại của năm 2022 mà họ còn tự định vị lại bản thân để trở nên cứng rắn, khắt khe hơn trong bối cảnh thị trường đang không ổn định.

Sự tàn nhẫn của Mark Zuckerberg

Theo miêu tả của các báo cáo, Mark Zuckerberg được ví như “CEO thời chiến”. Ông chịu ảnh hưởng bởi các bài viết của nhà đầu tư Facebook Ben Horowitz, người cho rằng một CEO thời bình “tập trung vào bức tranh lớn”, trong khi một CEO thời chiến “quan tâm đến cả một hạt bụi trên mông của một người lính”. Ngoài ra, trong khi một CEO thời bình cố gắng giảm thiểu xung đột, thì một CEO thời chiến lại “cố gắng tạo ra những mâu thuẫn”.

Không ngừng tham vọng và cạnh tranh đến mức hoang tưởng, Zuckerberg đã điều hành Facebook với cảm giác khẩn trương ngay cả khi ngành công nghệ đang phát triển một cách tốt đẹp.

Năm 2012, ông theo đuổi Instagram và mua lại công ty với giá 1 tỷ USD sau khi cảnh báo Giám đốc tài chính của mình rằng công ty "có thể gây khó khăn cho chúng tôi", theo các email được công bố trong thủ tục chống độc quyền chống lại công ty. Hai năm sau, ông mua WhatsApp với giá 19 tỷ USD vì những lý do tương tự.

Điều đó đương nhiên khiến các cơ quan quản lý chống độc quyền nổi giận. Cách tiếp cận của Zuckerberg trong việc nhân bản các đối thủ cạnh tranh cũng khiến ông bị cáo buộc là một kẻ đạo nhái. Tuy nhiên, khi thời gian khó khăn của ngành công nghệ tới, chính sự tàn nhẫn đó là thứ đã cứu Facebook.

“Cách cạnh tranh của Mark Zuckerberg là thứ mà tôi chưa từng thấy trước đây”, cựu Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm của Instagram, Kevin Weil, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Big Technology Podcast.

“Ngay cả trong thời điểm Facebook thăng hoa nhất và dường như không có bất kỳ sai sót nào, luôn có một điều gì đó cảm giác rất khẩn trường, một điều gì đó tồn tại mà Mark Zuckerberg sẽ khiến mọi người tập trung vào. Mark luôn có một thứ gì đó rất đặc biệt, thúc đẩy bạn khi bản thân cảm thấy lười biếng”, ông nói thêm.

Bất luận nhận được đánh giá tiêu cực hay tích cực, không thể phủ nhận thức tế rằng Mark Zuckerberg đã khiến công việc của mình trở nên khó khăn hơn bằng cách chuyển toàn bộ công ty sang theo đuổi metaverse, điều mà nhiều ông lớn công nghệ khác “không dám” làm trong nhiều năm.

Các thương vụ lớn và mang tính bước ngoặt trước đây của Mark Zuckerberg, chẳng hạn như việc mua lại Instagram hay chuyển sang sử dụng thiết bị di động cho Facebook, đều thành công rực rỡ. Dù có chiều hướng đi xuống trong thời gian gần đây, song thực tế giá cổ phiếu Meta cũng tăng hơn gấp 5 lần trong suốt thập kỷ qua.

Giờ đây, khi thị trường công nghệ đang ở trong một trạng thái bất ổn, các công ty có những vị lãnh đạo như Mark Zuckerberg mới là những doanh nghiệp có cơ hội giữ chân nhân tài, chống lại sự bấp bênh của thị trường lao động.

Không rõ liệu Sundar Pichai của Google có phải là một “CEO thời chiến” tương tự Mark Zuckerberg hay không, nhưng theo một hồ sơ của Wall Street Journal năm 2020, các nhân viên công ty đều công nhận rằng ông là một “người tử tế”.

Mark Zuckerberg vẫn còn nhiều việc phải làm để khắc phục những tác hại mà các thuật toán của Facebook đã gây ra cho xã hội. Tuy nhiên, khi nói đến việc bảo vệ lợi nhuận của công ty, dường như không còn ai có thể cam kết thực hiện nhiệm vụ này, ngoại trừ Mark Zuckerberg.

Quốc Anh

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...