|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVN thừa nhận hóa đơn tiền điện tăng ít nhất 35%

14:38 | 30/04/2019
Chia sẻ
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thừa nhận như trên khi trả lời Tuổi Trẻ ngày 29-4 trước phản ảnh của nhiều người dân về hóa đơn tiền điện tháng 4-2019 tăng mạnh so với tháng trước.
EVN thừa nhận hóa đơn tiền điện tăng ít nhất 35% - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty điện lực Tân Bình, TP.HCM Nguyễn Chí Cường ghi số điện trên đường Bàu Cát, Q. Tân Bình, TP.HCM trưa 22-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Về khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn 42.000 tỉ đồng, tập đoàn này cho biết còn "quá nhỏ".

Do dùng nhiều và giá điện tăng

EVN cho hay số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại Hà Nội cho thấy mức tiêu thụ tăng cao nhất đến thời điểm này là 63,4 triệu kWh (ngày 20-4-2019); tại TP.HCM là 90,04 triệu kWh (ngày 24-4-2019).

Bên cạnh đó, EVN cho hay tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công thương công bố vào ngày 20-3, cùng với số ngày sử dụng điện nhiều hơn (kỳ ghi chỉ số là 31 ngày so với 28 ngày tháng trước) nên lượng điện năng tiêu thụ tăng 10,7%.

Như vậy theo EVN, kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hằng năm vào những tháng hè (khoảng 16%) cộng với việc giá bán điện điều chỉnh (8,35 - 8,36%) làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4-2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước ít nhất trên 35%.

Tính đến ngày 26-4, thống kê về hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình tại 2 thành phố lớn nhất cho thấy tại Hà Nội có 57,2% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4-2019 tăng trên 30% so với tháng 3-2019, tỉ lệ này tại TP.HCM là trên 47,1%.

EVN cũng khẳng định sản lượng điện đỉnh về tiêu thụ ở TP.HCM cao hơn 10% so với đỉnh của năm 2018 và đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất đạt kỷ lục từ trước đến nay.

13.000

Đó là số lượng thắc mắc, yêu cầu về hóa đơn tiền điện mà ngành điện tiếp nhận từ ngày 20-3 đến 26-4.

Nguồn: EVN

Gửi không kỳ hạn 42.000 tỉ "là quá nhỏ"

Liên quan đến khoản tiền gửi không kỳ hạn của EVN tại ngân hàng được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý 2-2018 là 42.000 tỉ đồng, tập đoàn này cho biết đây là số dư tiền gửi được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên EVN bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.

EVN cũng cho hay số tiền gửi này so với số dư nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm phải trả của EVN (hơn 106.000 tỉ đồng) là quá nhỏ. 

Số tiền này cũng chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện... (55.000 tỉ đồng) và khoản trả nợ ngân hàng đến hạn là 22.000 tỉ đồng.

Tập đoàn này cho rằng nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên số dư tiền gửi trên mới giúp EVN và các đơn vị thành viên phục vụ công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.

EVN thừa nhận hóa đơn tiền điện tăng ít nhất 35% - Ảnh 3.

Người dân tự tính giá điện thế nào?

Tiền điện thanh toán tháng 3-2019 được EVN tính toán dựa trên hai mức giá cũ và giá mới.

Do đó, để có cơ sở tính, EVN sẽ dựa trên thông tư 16/2014 quy định về thực hiện giá bán điện của Bộ Công thương ban hành. 

Theo đó, trường hợp ngày ghi chỉ số côngtơ không trùng với ngày điều chỉnh giá điện thì việc tính tiền điện cho giá điện sinh hoạt sẽ sử dụng phương pháp nội suy.

Phương pháp này sẽ dựa trên các căn cứ gồm: lượng điện thực tế khách hàng sử dụng trong kỳ ghi chỉ số, số ngày sử dụng điện thực tế, biểu giá bán điện. 

Ngoài ra, sản lượng điện dùng thực tế theo giá cũ và giá mới không chỉ được tính theo số ngày dùng thực tế, mà còn tính trên cơ sở đơn giá điện bậc thang tương ứng với tổng sản lượng tiêu thụ của tháng theo phương pháp nội suy. 

Đơn cử như lượng tiêu thụ điện là 310 kWh thì giá cũ và giá mới đều sẽ được chia làm 5 bậc thang theo quy định.

Vấn đề đặt ra là tại sao hóa đơn tiền điện nếu tính theo đúng công thức của EVN hướng dẫn theo mức tăng giá bán lẻ bình quân là khoảng 7-8%, nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn cho là tăng sốc bất thường?

Từ nhiều năm nay tiền điện được tính theo 6 bậc lũy tiến, với mức giá cho từng đối tượng sử dụng là khác nhau. 

Tuy nhiên, nếu so sánh mức tăng lũy tiến của từng bậc sẽ thấy các con số được "nhảy múa" phi mã theo từng bậc. 

Đơn cử, thông thường một hộ tiêu thụ điện sử dụng dưới 200 kWh thì khi dùng vượt lên 300 kWh, hóa đơn tiền điện sẽ tăng thêm 25%, lên mốc trên 400 kWh thì tiền điện phải trả tăng thêm 40%. 

Trường hợp cao nhất là nếu đang sử dụng ở mức 50 kWh mà tăng lên hơn 600 kWh thì sẽ có mức tăng tới 75%.

Từ năm 2017 Bộ Công thương và EVN từng đưa ra đề án sửa đổi biểu tính giá bán lẻ điện bình quân. 

Trong đó có đưa ra nhiều phương án như áp dụng một mức giá bình quân (đồng giá), giữ nguyên 6 bậc hoặc rút gọn biểu giá điện từ 6 bậc còn 3 bậc. Tuy nhiên, sau thời gian lấy ý kiến thì đề án này đã "tạm hoãn". 

Trong lần điều chỉnh giá bán lẻ điện gần đây, Bộ Công thương cũng như EVN vẫn khẳng định quan điểm tiếp tục sử dụng biểu giá lũy tiến để khuyến khích tiêu dùng và tiết kiệm điện, sử dụng hợp lý.

Tăng giá điện, xăng dầu đẩy CPI tháng 4 tăng

Thông tin được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 1% so với tháng 12-2018.

Bình quân bốn tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân bốn tháng đầu năm thấp nhất trong ba năm gần đây.

Nguyên nhân chính khiến CPI tăng là do trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tới 9 nhóm tăng.

Trong đó nhóm tăng cao nhất là giao thông với 4,2% do giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 2-4 và 17-4. Ngoài ra, việc tăng giá điện ngày 20-3 khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,8% so với tháng trước.

Ngọc An