EVN đề xuất tăng giá điện sau khi dự kiến lỗ hơn 31.000 tỷ trong năm 2022
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm 2022 tổng doanh thu của EVN ước đạt 460.700 tỷ đồng, tăng 4,31% so với 2021, trong đó doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021. Nộp ngân sách năm 2022 toàn Tập đoàn ước đạt 22.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tập đoàn ước lỗ 31.360 tỷ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỷ giá tăng cao. Trước khó khăn này, EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để có thể cân đối tài chính trong những năm tới.
Thông tin thêm về số ước lỗ 31.360 tỷ đồng, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân lý giải đây là số lỗ sau khi EVN đã áp dụng các biện pháp để tiết giảm chi phí. "Nếu EVN không áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí thì số lỗ năm 2022 có thể lên đến gần 65.000 tỷ đồng thay vì chỉ hơn 31.000 tỷ đồng", ông Nhân nói.
Cụ thể, trong sản xuất, kinh doanh, EVN đã cố gắng tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm 20-30% chi phí sửa chữa lớn, chi lương cho cán bộ nhân viên với 80-90% mức lương bình quân năm 2020... Nhờ đó, toàn tập đoàn đã tiết giảm chi phí hơn 9.700 tỷ đồng.
EVN cũng thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền: Tổng doanh thu hoạt động tài chính và lãi tiền gửi của Công ty mẹ EVN và các đơn vị là hơn 7.900 tỷ đồng. Vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy thủy điện (có chi phí thấp); điều phối các hợp đồng mua than cho các nhiệt điện, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện, giúp giảm chi phí mua điện của EVN 15.845 tỷ đồng, ...Tổng các khoản EVN đã tiết giảm chi phí là 33.445 tỷ đồng.
Đề xuất tăng giá điện, áp dụng cơ chế thị trường
Để thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện, lãnh đạo EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII; sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng về giá bán lẻ điện bình quân để giảm bớt khó khăn, đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và các năm tiếp theo do giá nhiên liệu tăng cao.
Đồng thời, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm đề xuất Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho hay, trước những khó khăn của ngành điện, Ủy ban đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc EVN rà soát, cập nhật lại số liệu kế hoạch, khuyến nghị nhiều biện pháp để EVN kịp thời ứng biến với tình hình thực tế.
Ủy ban cũng đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, tình hình tài chính của EVN và đề xuất các giải pháp hỗ trợ EVN; trong đó có giải pháp cốt lõi, lâu dài là tăng giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2022 và các năm tiếp theo cho EVN.