|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVN đề xuất các nhà máy điện gió, mặt trời tự đầu tư hệ thống tích trữ

15:31 | 02/02/2021
Chia sẻ
Các nhà máy sẽ nạp điện vào hệ thống tích trữ (ESS) trong các thời điểm quá tải hoặc thừa nguồn và phát điện từ ESS trong các thời điểm không quá tải.

Pin tích trữ năng lượng không có hiệu quả kinh tế để chống quá tải lưới điện

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công thương về đề xuất cơ chế phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam.

Theo EVN để chủ động nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống điện trong thời gian tới Tập đoàn đã phối hợp với đơn vị Tư vấn Quốc tế là GE Energy Consulting thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam” (do USTDA tài trợ).

Kết quả tính toán của tư vấn cho thấy với mức độ thâm nhập của năng lượng tái tạo chỉ khoảng 15% về mặt công suất, tương đương khoảng 7% về mặt sản lượng, việc đầu tư hệ thống tích trữ trong hệ thống điện chưa mang lại hiệu quả kinh tế. 

Tư vấn đánh giá (định tính) việc đầu tư hệ thống tích trữ sẽ chỉ có ý nghĩa khi mức thâm nhập năng lượng tái tạo vào hệ thống điện đạt tối thiểu 15% trở lên về quy mô sản lượng.

Đối với mục đích sử dụng hệ thống tích trữ, để tăng khả năng giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo, kết quả tính toán tối ưu chi phí vận hành hệ thống cho thấy hệ số vận hành tương đương của các hệ thống tích trữ năng lượng sẽ rất thấp, chỉ tương đương 1-2% và do đó sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.

"Kết quả trên là hợp lý do Hệ thống tích trữ phục vụ giải tỏa năng lượng tái tạo sẽ phải nạp vào các thời điểm khi các nguồn năng lượng tái tạo cùng phát công suất cao đồng thời (thường vào các giờ ban ngày, giá biên hệ thống thường cao).

Và sẽ phát điện lên lưới vào các thời điểm các nguồn năng lượng tái tạo phát thấp (tương ứng giá biên hệ thống sẽ thấp), đi ngược với nguyên lý thu hồi vốn theo chênh lệch giá (mua điện vào thời điểm giá thấp, bán điện vào thời điểm giá cao)", EVN đánh giá.

Ngoài ra, Tư vấn cũng cho rằng về mặt kỹ thuật việc đầu tư hệ thống tích trữ để hạn chế quá tải lưới điện gây ra bởi các nguồn năng lượng tái tạo chỉ là giải pháp tình thế. Trong khi giải pháp cải tạo, xây dựng lưới điện mới sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất về mặt kinh tế.

Theo đánh giá của EVN, việc đầu tư pin tích trữ năng lượng cho mục đích chống quá tải lưới (giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo) sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế (cho EVN) trên quy mô tổng thể toàn bộ hệ thống điện mà chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cục bộ cho các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo bị giới hạn công suất phát do quá tải.

"Việc đầu tư pin tích trữ năng lượng nhằm giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo (nếu có) sẽ do các chủ đầu tư nhà máy điện năng lượng tái tạo thực hiện do đây là các đối tượng trực tiếp được hưởng lợi từ việc này. Cần xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế cho phép các chủ đầu tư thực hiện việc đầu tư trên", EVN đề xuất.

Đề xuất cơ chế phát triển hệ thống tích trữ năng lượng

Số liệu của EVN cho biết hiện nay công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo trên toàn hệ thống đã lên đến khoảng 21.560 MW, trong đó riêng công suất thực phát lên lưới chiếm khoảng 26% công suất phụ tải vào các giờ trưa ngày bình thường và khoảng 61% đối với ngày nghỉ và ngày lễ.

Tỷ trọng công suất các nguồn năng lượng tái tạo này có xu hướng tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, do đó việc triển khai đầu tư các hệ thống tích trữ năng lượng (ESS) trong hệ thống điện Quốc gia là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với khuyến cáo của các đơn vị Tư vấn quốc tế.

Do đó, Tập đoàn đề nghị Bộ Công Thương đầu tư ESS tại các nhà máy điện gió, mặt trời để nâng cao hiệu quả vận hành, giảm công suất phải cắt giảm tại các nhà máy năng lượng tái tạo do các điều kiện về kỹ thuật của lưới điện. 

"Các nhà máy năng lượng tái tạo nạp điện vào ESS trong các thời điểm quá tải hoặc thừa nguồn và phát điện từ ESS trong các thời điểm không quá tải. Trong cơ chế này, giá bán điện từ ESS không vượt quá giá bán điện của nhà máy năng lượng tái tạo", EVN cho biết

Đầu tư dự án ESS để tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện. Trong cơ chế này, giá mua điện từ hệ thống (trong chế độ nạp điện) và giá bán điện từ ESS do Bộ Công Thương quy định theo phương án cố định cho cả đời dự án hoặc điều chỉnh hàng năm phù hợp với việc điều chỉnh giá bán điện bình quân của EVN, đảm bảo để chủ đầu tư dự án ESS thu hồi được chi phí đầu tư và có lợi nhuận hợp lý. 

Các Trung tâm điều độ hệ thống điện, theo phân cấp, điều khiển công suất các dự án ESS tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện.

EVNNPT và các Tổng công ty điện lực được đầu tư ESS như một phương tiện điều khiển trên lưới điện. Chi phí đầu tư, vận hành được hạch toán vào chi phí truyền tải, phân phối điện của các đơn vị. 

Trước mắt, EVN đầu tư thí điểm thệ thống ESS có công suất trong giải từ 50 - 100 MW, dung lượng 50 - 100 MWh với mục đích điều chỉnh tần số để xác thực tính năng thiết bị, đánh giá khả năng và tích lũy kinh nghiệm vận hành ESS trong hệ thống điện.

Từ đó làm cơ sở đề xuất các cơ chế, chính sách và quy định pháp quy có liên quan đến phát triển và vận hành hệ thống ESS trong hệ thống điện. 

"Chi phí đầu tư, vận hành thí điểm hệ thống ESS được hạch toán vào chi phí sản xuất điện của EVN hoặc theo quy định của cấp có thẩm quyền. 

Đồng thời bổ sung, điều chỉnh các thông tư, quy trình, quy định nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho sự xuất hiện của loại hình pin tích trữ năng lượng trong hệ thống điện với một số yêu cầu kỹ thuật như tại phụ lục", EVN đề xuất.

Như Huỳnh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.