|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVN: Cuối năm nay, các nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ không còn tình trạng quá tải

20:40 | 23/07/2020
Chia sẻ
Thông tin trên được Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam, ngày 23/7.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, trong thời gian vừa qua, một số khu vực phát triển mạnh về năng lượng tái tạo (NLTT) như Ninh Thuận, Bình Thuận xảy ra tình trạng quá tải cục bộ lưới điện truyền tải.

Trước thực trạng này, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành các trạm biến áp (TBA) 500 kV, 220 kV và hiện nay cơ bản giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

"Từ nay đến cuối năm 2020, cùng với các TBA do EVN đầu tư, phối hợp với TBA 500 kV Trung Nam, tất cả các nhà máy điện mặt trời khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ được giải tỏa công suất và không còn tình trạng quá tải", ông Thành khẳng định.

Vị Chủ tịch EVN cũng cho biết, tập đoàn này cũng đang nghiên cứu xây dựng các hệ thống nhằm bù đắp sự thiếu hụt của nguồn năng lượng tái tạo vào những thời điểm không phát điện.

Theo đó, EVN đang nghiên cứu xây dựng nhà máy thủy điện tích năng ở Ninh Thuận - ngay khu vực phát triển điện gió, điện mặt trời.

Đồng thời, tập đoàn phối hợp với tư vấn của Mỹ nghiên cứu, lắp đặt các hệ thống tích điện trên toàn hệ thống lưới điện quốc gia, nhằm bảo đảm tích trữ các nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai.

Theo EVN đến hết năm 2019, cả nước có 5.039MW điện năng lượng tái tạo được hoà lưới điện quốc gia. Trong đó, chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Ngoài ra, nhiều nhà máy điện mặt trời và điện gió đang xây dựng với công suất.

Đại diện EVN cho hay, trước năm 2019, không có nhà máy điện mặt trời nào đấu nối lưới điện 110kV trở lên.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, 89 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 4550 MW đã được thử nghiệm, đóng điện và hòa lưới điện Quốc gia.

Tuy nhiên, theo đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp phản ánh, Việt Nam đang vướng phải điểm nghẽn. Đó là, nhà nước đang thiếu điện, còn doanh nghiệp sản xuất ra điện gió, điện mặt trời, năng lượng sạch nhưng gặp khó khi tiêu thụ. 

Vì vậy, các chính sách của EVN được đánh giá là cần thiết để  khơi thông điểm nghẽn này.

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Dương Quang Thành chia sẻ, EVN đang ra lộ trình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đẩy mạnh số hóa và phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành chuyển đổi thành doanh nghiệp số.

"EVN phấn đấu đạt 100% trạm biến áp 110 kV được điều khiển xa và không người trực sau năm 2020. Đối với trạm 220 kV là sau năm 2025", Chủ tịch EVN cho hay.

Cũng trong Diễn đàn, người đứng đầu EVN cho biết trong thời gian qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao trong việc bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước với nhu cầu điện tăng bình quân 10,5%/năm trong giai đoạn 2011-2019.

Đến nay, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất nguồn điện đạt trên 55.000 MW, tăng 2,7 lần so với năm 2010, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.

Hạ tầng lưới điện Việt Nam hiện đứng đầu các nước ASEAN. EVN đã cấp điện đến 100% số xã và 99,52% các hộ dân trên cả nước, trong đó cấp điện đến 99,25% hộ dân nông thôn.

Thiên Trường

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.