|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại và thay đổi bức tranh đầu tư

15:33 | 16/02/2019
Chia sẻ
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là FTA đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á. - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...
evfta se thuc day thuong mai va thay doi buc tranh dau tu
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp châu Âu.

Theo các chuyên gia, EVFTA – hiện đang chờ Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu chấp thuận để có hiệu lực - sẽ mang lại những lợi thế và lợi ích chưa từng có cho Việt Nam và EU.

Hiện tại EU chỉ có thêm 02 FTA khác với khu vực này là Hiệp định Thương mại và Đầu tư với Singapore (đã ký kết, đang chờ ký và phê chuẩn), và Hiệp định Đối tác Kinh tế với Nhật Bản (đã phê chuẩn, dự kiến có hiệu lực đầu tháng 2/2019).

Thay đổi bức tranh đầu tư châu Âu tại Việt Nam

Theo ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ làm thay đổi bức tranh đầu tư châu Âu tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trả lời phỏng vấn báo Đầu tư, ông Nicolas Audier cho biết, năm 2018 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của EuroCham Việt Nam. Lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành viên đạt con số trên 1.000, đưa EuroCham Việt Nam trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp châu Âu lớn nhất trên thế giới. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp (DN) châu Âu nhờ tăng trưởng và phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cải cách trong nước.

Trước khi EVFTA có hiệu lực, nhiều DN châu Âu đã lập văn phòng đại diện và chi nhánh, hoặc tìm kiếm đối tác tại Việt Nam nhằm hưởng lợi từ EVFTA.

Tuy nhiên, ông Nicolas Audier cho rằng dù đã có những bước đi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm nhằm giải quyết những mối quan tâm của Nghị viện châu Âu, cũng như những rào cản mà DN châu Âu tại Việt Nam đang gặp phải.

“Chúng tôi vui mừng thông báo với Nghị viện châu Âu rằng, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch sửa đổi Bộ luật Lao động với nhiều cải thiện, thay đổi lớn phù hợp với Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động”, ông nói.

Môi trường đầu tư, kinh doanh đã có nhiều cải thiện, song DN châu Âu vẫn gặp phải một số khó khăn tại Việt Nam, như những vấn đề liên quan đến việc công nhận trong ngành ô tô, và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm bia, rượu. Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của DN khi xây dựng luật.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, EVFTA tạo bước ngoặc lịch sử trong quan hệ Việt Nam - EU”, ông Nicolas Audier nhấn mạnh.

Năm 2018, theo kết quả khảo sát của EuroCham với các doanh nghiệp thành viên về tác động của EVFTA đối với kế hoạch kinh doanh và đầu tư của họ, có khoảng 80% cho rằng, EVFTA sẽ tác động lớn hoặc vừa phải đến kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn.

Nhắc lại thực tế Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư và kinh doanh hấp dẫn đối với các DN châu Âu, ông Nicolas Audier cho rằng EVFTA sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, vì hiệp định này sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường đang phát triển nhanh tại Việt Nam cho các DN, nhà đầu tư châu Âu. Người tiêu dùng trung lưu tại Việt Nam đang là thỏi nam châm thu hút các DN châu Âu.

Với EVFTA, Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm đầu tư với các DN châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.

Thúc đẩy đáng kể thương mại Việt Nam - EU

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa hơn so với WTO cho EU trong nhiều lĩnh vực bao gồm một số dịch vụ kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục, phân phối, và tài chính. EVFTA cũng sẽ giúp mở cửa đáng kể thị trường dịch vụ của Việt Nam cho các công ty của EU.

Với EVFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu EU sang Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ dần trong thời gian tối đa là 10 năm.

Ngoài ra, các công ty của EU cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ các cam kết khác của Việt Nam như các cam kết cắt giảm một số hàng rào phi thuế quan trong ngành ô tô, cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của EU, cam kết về mở cửa thị trường mua sắm công…

Đổi lại, EU cũng cam kết xóa bỏ 71% thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Việt Nam kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm dần theo lộ trình tối đa là 7 năm, và áp dụng hạn ngạch thuế quan với một số hàng hóa đặc biệt. EU cũng cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hiệp định có nhiều nội dung về tạo thuận lợi thương mại hai bên như các cam kết về hải quan và thuận lợi hóa thương mại, về công nhận tương đương giữa Việt Nam và EU đối với các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật SPS, cam kết về ghi nhãn hàng hóa…

Các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập đánh giá những cam kết về các biện pháp phi thuế quan sẽ giúp tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

“Do đó, dự kiến nếu EVFTA được ký kết và có hiệu lực sẽ thúc đẩy đáng kể thương mại giữa hai bên. Hiện tại, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng 10 lần trong gần 10 năm qua và đạt khoảng 53 tỷ USD vào năm 2018. EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam; trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 19 của EU trên thế giới, và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore”, các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập nhìn nhận.

Việt Nam và EU là hai thị trường có cơ cấu sản phẩm bổ sung hỗ trợ lẫn nhau; trong đó, Việt Nam thường xuất khẩu những hàng hóa không phải là thế mạnh của EU (ví dụ như dệt may, trái cây nhiệt đới…) trong khi phần lớn hàng hóa EU xuất khẩu sang Việt Nam cũng là những mặt hàng Việt Nam chưa phát triển sản xuất (ví dụ như ô tô, dược phẩm...).

"Do đó, DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu trước các thông tin liên quan đến nội dung và tiến trình của EVFTA để có thể tận dụng tốt nhất các ưu đãi ngay khi Hiệp định có hiệu lực", Trung tâm WTO và Hội nhập khuyến nghị.

Xem thêm

Thanh Hằng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.