Eurozone đang bước vào 'vùng bão táp' với Đức là 'tâm bão'
“Lục địa Già” vốn đã có nhiều mối lo liên quan đến nguy cơ thiếu hụt năng lượng làm tê liệt cỗ máy sản xuất, rủi ro Đức - đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), suy thoái, viễn cảnh lạm phát kéo dài, vượt ngoài tầm kiểm soát dẫn tới bất ổn trong xã hội và một lần nữa đẩy Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào vùng “bất ổn định”.
Trên thị trường hối đoái ngày 11/7, 1 euro chỉ đổi lấy 1 USD. Truyền thông châu Âu đã rầm rộ đưa tin và bình luận về hiện tượng “chưa từng xảy ra từ năm 2002”. Nhiều tờ báo hốt hoảng vì đồng euro lao dốc và nhắc đến một sự “sụp đổ đột ngột” so với đồng bạc xanh, là “đòn đau tấn thêm vào các doanh nghiệp và công dân châu Âu”.
Euro mất giá hay USD tăng giá?
Những nhận xét trên đây của báo giới không hoàn toàn đúng và đôi khi bị chỉ trích là vơ đũa cả nắm. Trước hết, chênh lệch về giá cả giữa hai đơn vị tiền tệ của Mỹ và châu Âu đã tạo ra tình trạng “kẻ được người thua”, khi các hóa đơn hàng nhập khẩu phải thanh toán bằng USD sẽ thêm nặng gánh. Trái lại, với các công ty xuất khẩu, việc euro mất giá là một tin vui vì hàng của châu Âu sẽ rẻ hơn và sẽ hấp dẫn hơn.
Kim ngạch xuất khẩu nhờ đó tăng lên. Từ ngành thời trang hạng sang đến các nhà xuất khẩu rượu bán sang Mỹ hay châu Á đều chờ đợi đơn đặt hàng từ nay đến cuối năm thêm dày đặc. Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của châu Âu, các hãng xuất khẩu gan ngỗng béo của Pháp cũng được hưởng lợi khi mà đồng euro bằng giá hay thấp hơn so với đồng USD.
Những quốc gia trong khu vực đồng euro nổi tiếng là những điểm đến du lịch hấp dẫn. Do đó, với một đồng euro “mềm giá”, du khách Mỹ, Canada và những nước không dùng đồng tiền này sẽ chi tiêu thoải mái hơn trong những ngày nghỉ Hè. Ngược lại, người dân châu Âu dùng đồng euro sẽ ngại sang Mỹ chơi. Khi đi nghỉ ở châu Á, khu vực luôn chuộng USD hơn euro, họ cũng sẽ tốn kém hơn.
Điểm không chính xác thứ hai là khi truyền thông nói tới hiện tượng euro “sụp đổ đột ngột” so với đơn vị tiền tệ Mỹ. Từ khi chính thức được hàng trăm triệu công dân châu Âu sử dụng từ ngày 1/1/2002, tỷ giá giữa euro và USD đã nhiều lần trồi sụt. Đây không phải là lần đầu tiên hai đơn vị tiền tệ quốc tế này ngang giá nhau, hay giá trị quy đổi của đồng euro thấp hơn đồng bạc xanh.
Đúng là từ tháng 1/2022 đến nay, euro đã mất giá khoảng 15% so với đồng USD. Tuy nhiên, đây không là một sự “trượt giá đột ngột” bởi vì từ hơn một năm nay, đơn vị tiền tệ Mỹ đã liên tục tăng giá không chỉ so với USD mà cả với đồng yen của Nhật Bản, đồng franc của Thụy Sỹ và kể cả với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, vốn không lưu hành một cách tự do và không tuân thủ quy luật cung cầu như các đơn vị tiền tệ tại các nền kinh tế tự do khác.
Chuyên gia kinh tế Pierre Jaillet, Viện nghiên cứu châu Âu Jacques Delors và Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến Lược IRIS, giải thích về lý do khiến giới trong ngành nói đến hiện tượng “đồng USD tăng giá hơn là euro mất giá”. Theo chuyên gia này, đó là hai khái niệm khác nhau.
Ông nói: “Theo tôi, không nên tập trung quá nhiều vào tỷ giá giữa đồng đôla và euro nhưng đúng là giá hai đơn vị tiền tệ này đang ngang bằng với nhau vì nhiều lý do. Thứ nhất, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, khiến việc đầu tư vào Mỹ có lợi hơn cho nên mọi người đổ xô đi mua vào đồng USD, ủy thác tiền vào ngân hàng Mỹ. Thứ hai, phần lớn các hóa đơn năng lượng được thanh toán bằng đồng USD. Dầu mỏ và khí đốt đang tăng giá khiến người ta cần mua vào nhiều USD hơn để thanh toán cho các nhà xuất khẩu…”.
Cũng theo chuyên gia này, lý do thứ ba là khi tình hình địa chính trị căng thẳng, mọi người có khuynh hướng mua USD hay vàng để tích trữ. Cả ba yếu tố này đẩy giá đồng bạc xanh lên cao. Do đó, nhận định cho rằng đồng euro mất giá là không chính xác bởi vì đơn vị tiền tệ chung châu Âu không mất giá so với các đơn vị tiền tệ khác trên thế giới.
Vì vậy, nên nói đến hiện tượng USD tăng giá thì đúng hơn là euro mất giá. Ngoài ra, cũng cần nhắc lại là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không có nhiệm vụ phải giữ giá đồng euro. ECB chỉ quan tâm đến tỷ giá của đồng tiền chung nếu như tỷ giá hối đoái đó ảnh hưởng đến các điều kiện thực thi chính sách tiền tệ và tài chính của toàn khối mà thôi.
Lạm phát: Sự cộng hưởng của nhiều yếu tố
Tuy nhiên song song với đó, khu vực Eurozone đang phải đối phó với những thách thức lớn liên quan đến lạm phát. Lạm phát đáng lo hơn việc euro “mất giá”. Do căng thẳng địa chính trị và nhất là vì cuộc xung đột ở Ukraine, giá dầu thô đã tăng hơn 40% trong nửa đầu năm nay.
Đồng USD tăng giá, các quốc gia dùng đồng euro phải mua vào dầu mỏ với giá đắt hơn đến 60% so với những ngày đầu 2022.
Chính dưới tác động của giá năng lượng tăng lên cộng thêm với chênh lệch hối đoái bất lợi cho euro, cho nên lạm phát tại châu Âu càng là một gánh nặng. Trong tháng 7/2022 lạm phát trong khu vực sử dụng đồng euro tăng 8,9% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đây là hậu quả từ việc cùng lúc giá năng lượng, lương thực thực phẩm, hàng hóa đều bị đẩy lên cao.
Theo thẩm định của Viện Thống kê châu Âu, giá năng lượng đã tăng gần 40% trong tháng 7/2022 so với một năm trước đây; giá thực phẩm tăng gần 10% trong một năm.
Trong số 19 nước sử dụng đồng euro, ba nước vùng Baltic chịu tác động nặng nề hơn cả. Chẳng hạn, Lithuanian “đội bảng” với lạm phát vượt mức 20% trong vòng một năm còn lạm phát tại Đức dự kiến là 7,6%.
Nhà kinh tế Henri Sterdyniak, Đài quan sát Tình hình Kinh tế Pháp (OFCE), ghi nhận: “Đồng euro sụt giá so với đồng USD càng đẩy giá năng lượng lên cao, một số nông phẩm cũng đắt đỏ hơn. Trong bối cảnh đời sống vốn đã đắt đỏ, việc đồng bạc xanh tăng giá là nguyên nhân khiến lạm phát tăng thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm”.
Một viễn cảnh "bão táp"
Châu Âu đang đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế trầm trọng. Chuyên gia kinh tế Henri Sterdyniak phân tích thêm về “vòng luẩn quẩn” đang chờ đợi khu vực Eurozone: “Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực đồng euro, bởi vì khu vực này lệ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.
Căng thẳng trên thị trường năng lượng có nguy cơ đẩy toàn khối vào suy thoái. Điều đó có nghĩa là lãi suất chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương châu Âu không thể nhiều và tăng nhanh như ở Mỹ. Các nhà đầu tư và đầu cơ sẽ tiếp tục chuyển các luồng vốn sang thị trường Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phản ứng nhanh hơn châu Âu và mạnh tay hơn ECB trong việc tăng lãi suất ngân hàng. Các thị trường tài chính trên thế giới chuộng USD hơn euro. Đương nhiên, đồng tiền Mỹ tăng giá”.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bồ Đào Nha và Lithuanian trong quý II/2022 đã sụt giảm so với ba tháng đầu năm. Tỷ lệ tăng trưởng tại Đức là 0%. Pháp bất ngờ với đà bật mạnh hơn mong đợi với GDP tăng 0,5% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2022. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với dự phóng của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Pháp Banque de France.
Dù vậy, các viện nghiên cứu vẫn bày tỏ quan ngại rằng Eurozone đang bước vào một vùng “bão táp” trong 6 tháng cuối năm và Đức có thể là tâm bão. Lần đầu tiên từ năm 1991, cán cân thương mại của Đức ghi nhận thâm hụt. Xuất khẩu sang hai thị trường lớn là Trung Quốc và Nga giảm mạnh. Hóa đơn năng lượng của Đức tăng thêm 12% giữa lúc dầu khí nhập vào Đức giảm 2%. Đó là chưa kể đe dọa Nga cắt khí đốt, làm tê liệt ngành sản xuất của Đức.
Bài toán của Liên minh châu Âu để thoát khỏi lạm phát và tình trạng đình đốn kinh tế lại càng thêm khó khi phải cạnh tranh với Mỹ. Chính vì tại Mỹ, vật giá tăng nhanh hơn so với châu Âu nên Fed đã phải nhanh chóng can thiệp, tăng lãi suất chỉ đạo.
Fed từ cuối 2021 đã “đánh tiếng” sẽ bắt đầu tăng lãi suất và đặt mục tiêu nâng lãi suất từ nay đến cuối năm 2022 lên mức 3,25-3,5%. Để so sánh, Ngân hàng Trung ương châu Âu đến hôm 21/7 mới tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản.
Chuyên gia Pierre Jaillet thuộc viện IRIS và trung tâm nghiên cứu châu Âu Jacques Delors giải thích về sự chậm trễ đến từ phía ECB: “Tình trạng này đặt các ngân hàng trung ương vào thế không thoải mái chút nào. Các định chế tài chính này đang trong thế tiến thoái lưỡng nan, một mặt phải đối phó với lạm phát, giữ uy tín, nhất là về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, nhưng mặt khác thì không được can thiệp quá mạnh tay, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế”.
Theo chuyên gia Pierre Jaillet, nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất trong 27 năm. Ngân hàng Trung ương Canada đã tăng lãi suất chính sách bốn lần trong năm nay, từ 0,25% lên 2,5%. Fed dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất phải được đẩy lên đến 3,25-3,5%. Như vậy có nghĩa là trong 9 tháng, lãi suất ngân hàng ở Mỹ đã từ mức 0% tăng trên lên 3%. Chưa bao giờ chỉ số này lại tăng mạnh như vậy.
Kết quả là sáng lập viên cơ quan tư vấn tài chính ACDEFI Marc Touati đánh giá tất cả các dấu hiệu này cho thấy Eurozone sẽ bước vào một chu kỳ đình lạm (stagflation), tức vừa suy thoái kinh tế và bị lạm phát hoành hành.
Đó là chưa kể đến những bất ổn có thể xuất phát từ những xung khắc trong nội bộ 19 nước sử dụng đồng euro về một chính sách chung để vực dậy kinh tế, về một tiếng nói chung trước nhà cung cấp dầu khí chính của toàn khối là Nga, về chủ trương tiết kiệm năng lượng.
Thêm vào đó còn phải tính đến yếu tố xã hội. Tại Italy, đảng cực hữu dân túy được cho là có nhiều triển vọng điều hành đất nước sau cuộc bầu cử vào tháng 10 tới đây. Pháp cũng đang lo một làn sóng bất mãn khác sẽ bùng lên tương tự như Phong trào Áo vàng hồi năm 2018. Trong khi đó, tương lai kinh tế của Đức khá mập mờ tạo điều kiện cho phong trào cực hữu bùng lên trở lại.
Tình hình 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 dự báo có thể còn khó khăn hơn nữa./.