|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EU yêu cầu các nước cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt cho đến mùa Xuân

02:30 | 21/07/2022
Chia sẻ
Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/7 đưa ra kế hoạch khẩn cấp để các nước thành viên cắt giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3/2023, đồng thời cảnh báo rằng nếu không cắt giảm sâu ngay từ bây giờ thì họ có thể gặp khó khăn về nhiên liệu trong mùa Đông nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Hệ thống van tại mỏ khí đốt Gremikhinskoye (Nga). (Ảnh: TTXVN).

Châu Âu đang cố gắng nhanh chóng lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình trước mùa Đông và xây dựng vùng đệm trong trường hợp Nga hạn chế hơn nữa nguồn cung để trả đũa việc châu Âu hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Hàng chục quốc gia EU đang phải đối mặt với việc giảm lượng cung ứng khí đốt của Nga và các quan chức EU cho biết có khả năng Nga sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt.

Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất một mục tiêu tự nguyện cho tất cả các nước thành viên EU với việc cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng từ tháng 8/2022 tới tháng 3/2023, so với mức tiêu thụ trung bình trong giai đoạn năm 2016-2021. Mức giảm này có thể trở thành yêu cầu bắt buộc nếu EC tuyên bố nguy cơ đáng kể về tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng ở EU.

Đề xuất trên sẽ cho phép Brussels đưa ra mục tiêu bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung - nếu EU tuyên bố về nguy cơ thiếu khí đốt nghiêm trọng.

Đề xuất cần được sự chấp thuận của đa số các nước thành viên EU. Dự kiến, các nhà ngoại giao EU sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 22/7, với mục tiêu thông qua đề xuất tại một cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU trong ngày 26/7.

Kế hoạch cắt giảm tiêu thụ trên vấp phải sự phản đối của một số nước được cho là có thể đảm bảo nguồn cung khí đốt, những nước cho rằng kế hoạch khẩn cấp không cần phải được thúc đẩy từ EU.

Một trong số những quốc gia thành viên phản đối các mục tiêu cắt giảm bắt buộc của EU là Ba Lan, quốc gia đã lấp đầy kho dự trữ khí đốt tới 98% sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt vào tháng Tư. Kho dự trữ của những nước khác vẫn thấp, ví như Hungary, chỉ ở mức 47% sức chứa.

Tuy nhiên, các quan chức EU cho rằng điều quan trọng là đảm bảo tất cả các nước thành viên hành động ngay bây giờ, thay vì chờ đợi phản ứng nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt. Các nước EU sẽ cần phải cập nhật kế hoạch khí đốt khẩn cấp của họ vào cuối tháng Chín để biết các thành viên sẽ đạt được mục tiêu của EU như thế nào.

Trong khi đó cùng ngày, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng việc cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu là "một kịch bản có thể xảy ra". Bà nói: "Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí. Và do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, cho dù là cắt giảm một phần, cắt giảm phần lớn hoặc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga, châu Âu cũng cần phải sẵn sàng”.

Trước đó vào tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo việc cắt giảm khí đốt của Nga có thể khiến các nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái, làm gia tăng cuộc khủng hoảng khí đốt khiến hóa đơn của người tiêu dùng tăng vọt.

Nga cung cấp 40% lượng khí đốt của EU trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, nhưng kể từ đó dòng chảy khí đốt từ Nga tới châu Âu giảm xuống dưới 30% so với mức trung bình của giai đoạn 2016-2021.

EC đề xuất các biện pháp mà các chính phủ có thể thực hiện để hạn chế sử dụng khí đốt, gồm có đấu giá để bồi thường cho các ngành công nghiệp cắt giảm sử dụng khí đốt và giới hạn nhiệt độ sưởi ấm và làm mát trong các tòa nhà công cộng. Các chính phủ cũng cần quyết định thứ tự các ngành buộc phải đóng cửa trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung khí đốt.

Việc cung cấp khí đốt của Nga sẽ được khởi động lại thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 tới Đức vào ngày 21/7, sau đợt bảo trì thường niên. Theo hãng tin Reuters, dòng chảy khí đốt có khả năng sẽ tiếp tục, nhưng sẽ ở mức dưới công suất tối đa.

Hà Chung