|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Em gái ông Phạm Thanh Tùng tiếp tục đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TVC

11:50 | 31/07/2023
Chia sẻ
Bà Phạm Thanh Hoa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TVC, ước tính số tiền chi ra khoảng 6,4 tỷ đồng.

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), bà Phạm Thanh Hoa, Ủy viên HĐQT CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (mã: TVC), đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TVC để phục vụ mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.

Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian 4/8 – 25/8, theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Hiện bà Hoa đang nắm giữ gần 3 triệu cổ phiếu TVC, tương ứng tỷ lệ 2,52%. Với giá giao dịch hiện tại, ước tính bà Hoa phải chi ra số tiền 6,4 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.

Trước đó, trong thời gian 9/5 – 7/6, với lý do biến động thị trường, bà Hoa đã không mua vào cổ phiếu TVC nào trong tổng số 1 triệu cổ phiếu đăng ký.

Diễn biến cổ phiếu TVC từ tháng 9/2022. (Nguồn: VNDirect).

Mới đây, trong công văn giải trình nguyên nhân, biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu TVC bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 7/7, Tài sản Trí Việt cho biết Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 kiểm toán có ngoại trừ giá trị khoản phải thu khác tại ngày 31/12/2022 của công ty bao gồm các khoản phải thu theo các hợp đồng hợp tác đầu tư với đối tác bên ngoài với số tiền 272,8 tỷ đồng, khoản phải thu theo hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu cho cá nhân số tiền 50,16 tỷ đồng và khoản phải thu theo hợp đồng môi giới chứng kháon là 480,69 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do trong năm 2022 có phát sinh một số vấn đề liên quan tới hoạt động và tổ chức nên các khoản công nợ phải thu này chưa được công ty thu hồi kịp thời. Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc công ty sau khi xem xét về khả năng thu hồi đã quyết định trích lập dự phòng tổn thất một cách thận trọng là 506,87 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng không tốt của thị trường tài chính nói chung và thị tường chứng khoán nói riêng trong năm 2022 nên việc thực hiện các hợp đồng hợp tác đầu tư chưa được đồng bộ do đó kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán hữu hiệu để đánh giá mục đích, đối tượng tham gia và giá trị còn lại các khoản nợ phải thu của các hợp đồng nêu trên, nên không thể đánh giá được về tính phân loại trình bày, giá trị còn lại của các khoản nợ phải thu và giá trị dự phòng tổn thất cần trích lập đối với các khoản phải thu nêu trên tại ngày 31/12/2022, cũng như không đánh giá được ảnh hưởng của chúng đến các chỉ tiêu khác trên Báo cáo tài chính kết thúc tại ngày 31/12/2022.

Việc trích lập dự phòng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 âm. Ngoài ra, năm 2022 thị trường chứng khoán cũng đã có sự giảm điểm số, cả khối lượng và giá trị giao dịch cũng sụt giảm mạnh. Điều này đã ảnh hưởng nhiều tới kết quả kinh doanh hoạt động dịch vụ và tự doanh của năm 2022.

Diệu Nhi