|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Em gái chủ tịch Thép Pomina tiếp tục bán cổ phiếu bất thành

09:43 | 12/10/2023
Chia sẻ
Sau ba lần liên tiếp đăng ký thoái vốn hàng triệu cổ phiếu POM, bà Do Nhung, em gái ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Thép Pomina (Mã; POM), chỉ bán được 712.200 đơn vị, trong đó có hai đợt giao dịch bất thành.

Bà Do Nhung, em gái ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Pomina không bán bất kỳ cổ phiếu nào trong lượng đăng ký toàn bộ 6,5 triệu đơn vị tại đợt giao dịch từ ngày 12/9 đến 11/10, duy trì tỷ lệ sở hữu 2,35% vốn.

Bà Do Nhung cho biết không bán cổ phiếu đã đăng ký vì không đạt được giá kỳ vọng. Đây cũng là lý do đưa ra tại hai báo cáo giao dịch trước đó.

Từ ngày 17/8 đến 31/8, bà Do Nhung chỉ bán ra 712.200 cổ phiếu trong tổng đăng ký là toàn bộ 7,3 triệu đơn vị tương ứng với 2,6% vốn. Khoảng 1 tháng trước đó, từ ngày 3 - 28/7, cổ đông này cũng không bán ra bất kỳ cổ phiếu nào trong lượng 5,3 triệu đơn vị đăng ký giao dịch.

Ngoài bà Do Nhung, loạt chị em của vị Chủ tịch Pomina - ông Đỗ Duy Thái liên tục có động thái thoái vốn những tháng gần đây.

Ngày 7/8, bà Đỗ Thị Kim Cúc, em ông Đỗ Duy Thái, bán ra 3 triệu đơn vị, giảm sở hữu xuống 1,83%, tương ứng với 5,1 triệu đơn vị.

Ngày 17/8, một người em khác - bà Đỗ Thị Kim Ngọc bán ra 2,3 triệu đơn vị, giảm sở hữu về còn 2,82%, tương ứng với 7,9 triệu đơn vị. Bà Ngọc từng bán thành công 5,2 triệu đơn vị trong đợt giao dịch từ ngày 4/7 đến 28/7.

Bà Trương GEG Đỗ Thị Cẩm Hương - chị gái ông Thái thoái vốn thành công khi bán toàn bộ 1,8 triệu đơn vị, tương đương với 0,65% vốn, từ ngày 10/7 - 14/7.

Trên thị trường, POM ghi nhận bứt phá vào đầu tháng 6 và giữa tháng 7, bao gồm nhiều phiên tăng trần. Thị giá đạt đỉnh 8.450 đồng/cp kể từ đầu năm vào phiên 18/7. Sau đó, POM dần giảm giá, kết phiên 11/10 tại 5.470 đồng/cp, giảm 35% từ đỉnh nêu trên. Khối lượng giao dịch bình quân phiên qua 3 tháng gần nhất đạt khoảng 680.000 đơn vị.

POM giảm giá 35% từ đỉnh lập vào 18/7. (Biểu đò: TradingView).

POM vào diện kiểm soát kể từ 10/10, theo quyết định ngày 3/10 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Cổ phiếu bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát do Pomina chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2023 soát xét quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Giải trình về chậm trễ, Pomina cho biết đang thu thập và cung cấp cho tư vấn khảo sát đánh giá về công ty để thương thảo giá với nhà đầu tư chiến lược. Điều này đã làm cho việc chậm số liệu BCTC 6 tháng. Để khắc phục, công ty đang tích cực làm việc với phía kiểm toán về cung cấp số liệu có báo cáo sớm nhất.

Thông tin liên quan đến cổ phiếu, công ty dự phát hành riêng lẻ 70,2 triệu đơn vị từ quý III/2023 đến hết 2024. Số tiền 702 tỷ đồng dự kiến huy động được sẽ dùng trả nợ ngân hàng (500 tỷ đồng), bổ sung vốn hoạt động kinh doanh (202 tỷ đồng), trả tiền mua hàng hóa, nguyên vật liệu (187 tỷ đồng) và vốn lưu động khác (15 tỷ đồng).

Trước đó, vào hồi tháng 7, Pomina cho biết kế hoạch phát hành 70,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư ngoại là Nansei (công ty thép của Nhật Bản), đưa tỷ lệ sở hữu của Nansei từ 0% lên 20,4%. Dự kiến, Pomina sẽ chia thành hai đợt chào bán, diễn ra lần lượt vào tháng 8/2023 và tháng 9/2024, với số lượng lần lượt 10,6 triệu đơn vị và 59,5 triệu đơn vị.

Lai Phong

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.