ECB: 20 năm, một sứ mệnh bảo vệ đồng euro
Quan chức ECB: Ngân hàng cần 'tách biệt' giao dịch tiền kỹ thuật số | |
ECB thận trọng với chính sách tiền tệ do triển vọng kinh tế bất ổn |
Nhận định rõ ràng nhất về quyền lực của ECB đến từ Chủ tịch hiện tại của ECB - ông Mario Draghi, vào mùa hè năm 2012, khi ông đã giúp ngăn chặn sự đổ vỡ của khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ với một câu nói: “Trong quyền hạn của chúng tôi, ECB luôn sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để bảo vệ đồng euro và xin hãy tin tôi, bấy nhiêu đó là đủ”.
Vào thời điểm đó, ông Draghi bước vào cuộc chiến với các nhà đầu cơ – những người bắt đầu đặt cược vào sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung euro do cuộc khủng hoảng nợ của khối.
Lúc đầu, chỉ có 11 quốc gia chấp nhận sử dụng đồng euro, trong khi ECB đảm nhận nhiệm vụ điều phối đồng tiền chung này từ ngày 1/6/1998. Số quốc gia sử dụng đồng euro hiện nay đã tăng lên 19.
Năm 1999, đồng euro trở thành đồng tiền chung do ECB quản lý nhưng mới chỉ trên danh nghĩa. Ba năm sau, euro được ra mắt dưới dạng tiền giấy. Chủ tịch đầu tiên của ECB là ông Wim Duisenberg, một người Hà Lan. Nhiệm vụ chính của ông là cải thiện niềm tin của người dân và thị trường tài chính vào đồng euro như một đồng tiền ổn định và đáng tin cậy.
Ông Duisenberg và những người kế nhiệm đã thực hiện thành công sứ mệnh đó, với tỷ lệ lạm phát khu vực eurozone – một thước đo độ ổn định – trung bình đạt 1,7% kể từ năm 1999, thấp hơn tỷ lệ trung bình mà Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) ghi nhận trong lịch sử 50 năm của mình.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Châu Âu tại Frankfurt, Đức. Nguồn: picture alliance/dpa/A. Dedert. |
Mục tiêu bình ổn giá
Ngày nay, ECB – vốn hoạt động dựa trên mô hình của Bundesbank, vẫn theo đuổi mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát dưới mức 2%.
Kể từ cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ECB đã “bật” chế độ khủng hoảng. Lúc đầu, không ai lên án động thái bơm hàng tỷ euro vào thị trường tài chính của ECB sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ.
Nhưng khi cuộc khủng hoảng nợ giáng xuống châu Âu năm 2010 và nguy cơ vỡ nợ treo lơ lửng trên đất nước Hy Lạp, chính sách của ECB đã thay đổi dưới thời Chủ tịch Jean-Claude Trichet - người kế nhiệm ông Duisenberg. Các thống đốc quyết định hấp thụ khối nợ quốc gia, khiến ECB trở thành mục tiêu của làn sóng chỉ trích dữ dội.
Vượt quá quyền hạn?
Đặc biệt là ở Đức, nhiều nhà làm chính sách nhận thấy lệnh cấm tài trợ trực tiếp của các quốc gia thành viên đã bị vi phạm. Chủ tịch Mario Draghi, người quyết định đi theo chính sách của người tiền nhiệm Trichet, thậm chí đã mở rộng chính sách mua trái phiếu chính phủ của ECB.
Các quốc gia thành viên phụ thuộc rất nhiều vào ECB trong việc bơm thêm thanh khoản vào thị trường, khiến ông Draghi hối thúc chính phủ các nước sửa đổi ngân sách và sau cùng là thực thi các cải cách cần thiết để đạt mục tiêu đó.
Chủ tịch ECB Mario Draghi. Nguồn: picture alliance/dpa/F. von Erichsen. |
Thế nhưng, hầu hết các quốc gia thành viên đã không làm “bài tập về nhà” đó. “Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, các quốc gia thành viên sẽ đứng ra nhận công, nhưng nếu có gì trục trặc, họ sẽ đổ lỗi cho châu Âu và ECB”, ông Marcel Fratzscher – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW), cho biết.
Theo ông Otmar Issing – cựu chuyên gia kinh tế trưởng của ECB, cho biết ngân hàng này, với tư cách là một thể chế khu vực eurozone thiết yếu, gánh vác rất nhiều trách nhiệm. Ông cho rằng trách nhiệm này đôi khi vượt quá quyền hạn mà ECB được trao. Ông Issing lo ngại các nhà làm chính sách sẽ không chấp nhận tình trạng này mãi và có thể cắt giảm quyền lực của ECB như một thể chế độc lập.
Thật ra ECB hiện không chỉ là “thần hộ vệ” của đồng euro mà còn gánh vác trách nhiệm giám sát ngành ngân hàng và đảm bảo sự ổn định tài chính trong khu vực eurozone. Thông qua các kênh truyền thông, ECB đảm bảo các thành phần tham gia thị trường nhận thức được hướng đi của thị trường.
Bất ổn gia tăng
Với những trọng trách nặng nề trên, ECB đóng vai trò then chốt trong việc trấn an thị trường trong những thời điểm bất ổn. Các diễn biến gần đây tại Ý đã cho thấy tầm quan trọng của ECB.
Sau tất cả, nỗi ám ảnh nước Ý sẽ rời bỏ khu vực eurozone vẫn đang lởn vởn khi các đảng dân túy, hoài nghi châu Âu cuối cùng cũng thành lập được chính phủ mới. Với lo ngại này, nhiều người tin rằng ECB sẽ không sớm bình thường hóa chính sách tiền tệ của mình.
Mặc dù vậy, Chủ tịch DIW Marcel Fratzscher cho rằng ECB vẫn có thể xoay xở trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Ông thậm chí còn tin chắc ngày càng sẽ có thêm các quốc gia EU sử dụng đồng euro để biến đồng tiền này thành đồng tiền toàn cầu thứ hai của thế giới, sau đồng bạc xanh.
Xem thêm |