DW: Việt Nam đang ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Việt Nam ngày càng quan trọng với nền kinh tế toàn cầu hóa và trong chuỗi cung ứng quốc tế
Tờ DW của Đức đánh giá Việt Nam là một trong rất ít quốc gia trên thế giới thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, đồng thời đạt được tốc độ tăng trưởng trong năm 2020 thuộc hạng cao nhất thế giới, niềm tin và sự lạc quan của người tiêu dùng cũng vẫn ở mức cao, trong khi nhiều nền kinh tế khác ghi nhận sự suy giảm lớn.
Bài báo nhận định Việt Nam với định hướng xuất khẩu, đang ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu hóa và trong chuỗi cung ứng quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam đã nổi lên như một đối tác thương mại lớn của Đức và Liên minh Châu Âu kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8 năm ngoái. Việt Nam cũng đã tổ chức lễ ký kết hiệp định thành lập khu thương mại tự do lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Một số lĩnh vực ưu tiên trong 5 năm tới
Theo DW, giáo sư Carl Thayer tại Đại học Úc New South Wales nhận định an ninh năng lượng là vấn đề cấp bách nhất trong 5 năm tới ở Việt Nam bởi nền kinh tế bùng nổ ngày càng cần nhiều năng lượng hơn như dầu và khí đốt, ...
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần giải quyết hàng loạt các tranh chấp liên quan đến thương mại và thuế quan với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ví dụ như hồi tháng 12/2020, Mỹ đã cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ nhằm gây bất lợi cho nước này.
Song, ông Thayer bày tỏ lạc quan Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ trong nhiều vấn đề, và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế hai con số trong vòng 5 năm tới, nếu tận dụng tối đa các cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do đã ký kết gần đây.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Công ty tư vấn Control Risks - bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành cải cách, tận dụng lợi thế cạnh tranh như sự ổn định chính trị, cơ cấu dân số thuận lợi và lực lượng lao động tương đối rẻ và cần cù.
Nhà báo Mike Tatarski, sống tại TP HCM, chỉ ra nhu cầu cấp thiết phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng khi Việt Nam hiện là "con cưng của thế giới sản xuất toàn cầu", đặc biệt là về sản xuất công nghệ, những thiếu sót về cơ sở hạ tầng sẽ trở nên đáng chú ý khi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển đến.
Tuy nhiên, ông Tatarski cho rằng một vấn đề cấp bách trong 5 năm tới, và trong tương lai dài đó là những vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra, Việt Nam cần phát triển nền nông nghiệp thông minh và bền vững hơn.