|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%

21:46 | 20/01/2021
Chia sẻ
Theo NIFC, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,17% hoặc 6,72% theo kịch bản tích cực hơn.

Ngày 20/1, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NIFC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: phục hồi và tăng tốc".

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc NCIF nhận định kinh tế Việt Nam năm 2021 đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội, các xu hướng tích cực và tiêu cực đan xen. 

Trong đó, thành công của Việt Nam trong kiểm soát COVID-19 và giữ ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho việc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, diễn biến COVID-19 vẫn có thể phức tạp và khó lường, tiếp tục tác động đến khả năng hồi phục của nền kinh tế.

efaef359938a63d43a9b.jpg

TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF chia sẻ tại hội thảo. (Nguồn: NCIF)

Phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế sau đại dịch COVID-19, TS. Đặng Đức Anh, đại diện nhóm nghiên cứu, đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, đại dịch COVID-19 dần được khống chế. Một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt tăng trưởng dương trở lại. Dự báo tăng trưởng của Mỹ đạt 3-3,5%; tăng trưởng của Trung Quốc sẽ hồi phục ở mức 5-6%. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo là 6,17% trong năm 2021.

Ở kịch bản khả quan, kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh hơn, thương mại đầu tư toàn cầu hồi phục mạnh. Kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6-7%, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt trên 3,5%. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 6,72% năm 2021.

Trên cơ sở dự báo trên, TS. Đặng Đức Anh gợi ý hai nhóm chính sách quan trọng cho công tác điều hành kinh tế năm 2021.

Nhóm thứ nhất là giảm chi phí sản xuất kinh doanh: tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm các loại phí, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một số ngành xuất khẩu nhằm dịch chuyển lên mức giá trị cao hơn trong chuỗi; đẩy nhanh quá trình đầu tư vào nền tảng hạ tầng công nghệ.

Nhóm thứ hai là thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường: Tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm các công trình giao thông quy mô lớn, có sức lan tỏa; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trưởng EU với các mặt hàng chủ lực; đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp;...

Mạnh Đức