|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đường thành công của vợ chồng tỷ phú Forever 21

10:34 | 08/10/2016
Chia sẻ
Sau khi sang Mỹ, Do Won Chang đã phải làm tới 19 tiếng mỗi ngày để kiếm sống, như rửa bát, bơm xăng, lau dọn văn phòng, trong khi vợ ông làm thợ cắt tóc.
duong thanh cong cua vo chong ty phu forever 21 4267
Vợ chồng Do Won Chang và Jin Sook. (Nguồn: Forbes)

Do Won Chang và vợ - Jin Sook đặt chân lên đất Mỹ năm 1981, do không thể chống chọi với thời kỳ khó khăn tại Hàn Quốc. "Khi đó, người Hàn Quốc sống không được tốt lắm. Cơ hội thực sự rất hẹp", Do Won cho biết trên Forbes.

Ngày nay, Do Won (57 tuổi) và Jin Sook (60 tuổi) có tới 43.000 nhân viên tại 790 cửa hàng thuộc 48 nước. Thương hiệu thời trang Forever 21 của họ có doanh thu 4,4 tỷ USD năm ngoái. Việc này đã giúp cả hai góp mặt trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ mà Forbes vừa công bố, với tổng tài sản 33 tỷ USD, xếp thứ 222.

Chặng đường thành công của họ bắt đầu bằng chuỗi ngày làm việc 19 tiếng. Cả hai bay tới Los Angeles sau chặng nghỉ ngắn tại Hawaii để làm thẻ xanh cho mình cùng cha mẹ Do Won.

Họ tới Los Angeles vào một ngày thứ Bảy. Đây cũng là nơi chị gái Do Won đang sống. Khi đó, Do Won mới 22 tuổi. Không để lãng phí thời gian, ông dò tìm hàng loạt công việc. Cuối cùng, ông được nhận vào một quán cà phê gần nhà và bắt đầu công việc ngay sáng thứ Hai. Nhiệm vụ của ông là rửa bát và chuẩn bị đồ ăn trong bếp.

"Tôi được nhận đúng bằng lương tối thiểu. Khoảng 3 USD một giờ. Chừng đó không đủ sống", ông nhớ lại. Vì thế, ông làm thêm 8 giờ nữa ở một trạm xăng. Sau đó lại nhận lau chùi một văn phòng nhỏ cho đến tận nửa đêm. Còn Jin Sook làm thợ cắt tóc - công việc bà từng làm khi còn ở Hàn Quốc.

"Tôi từng mơ được sang Mỹ từ khi còn học lớp 6. Bố mẹ tôi đã đến đó rồi và lúc nào tôi cũng tự nhủ tháng tới sẽ đến lượt mình", ông nói.

Một thập kỷ sau đó, ước mơ này thành hiện thực. Sau khi kết hôn không lâu, ông cùng vợ sang Mỹ. "Không chỉ bây giờ, mà từ thời đó, Mỹ đã là mảnh đất có rất nhiều cơ hội rồi. Rất nhiều người theo đuổi Giấc mơ Mỹ", ông nói.

Trong thời gian làm việc tại trạm xăng, Do Won nhận thấy những người làm trong ngành may mặc đều đi xe rất đẹp. Ông nảy ra ý tưởng xin việc tại một cửa hàng thời trang. Tại đây, ông đã học được rất nhiều điều. "Tôi coi cửa hàng như việc kinh doanh của chính mình vậy. Và ông chủ quý tôi lắm", ông nhớ lại.

Sau 3 năm sống tại Mỹ, cả hai tiết kiệm được 11.000 USD. Năm 1984, họ mở một cửa hàng quần áo nhỏ rộng 83m2 có tên Fashion 21 tại Los Angeles. Do Won cho biết người chủ cũ cũng bán quần áo, nhưng chỉ thu về 30.000 USD mỗi năm. Còn Fashion 21 ngay năm đầu tiên đã có 700.000 USD bằng cách tận dụng hàng xả kho - mua trực tiếp từ các hãng sản xuất với số lượng lớn và giá rất rẻ.

Việc kinh doanh thành công đến nỗi cứ 6 tháng họ lại mở cửa hàng mới một lần. Cuối cùng, cả hai đổi tên công ty thành Forever 21. Do Won Chang cảm thấy rất may mắn: "Tôi đến đây với hai bàn tay trắng và luôn biết ơn nước Mỹ đã cho tôi nhiều cơ hội đến vậy. Và tôi muốn trả ơn họ".

Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhờ nguồn tiền mặt dồi dào, ông tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và tạo ra 7.000 việc làm chỉ trong một năm. Trong một buổi họp thường niên với các nhân viên, ông đã tuyên bố kế hoạch không chỉ tập trung vào doanh thu và lợi nhuận, mà còn muốn tạo thêm việc làm nữa.

Dù vậy, sau nhiều năm tăng trưởng và mở rộng đầy tham vọng, công ty đang gặp phải nhiều thách thức. Vì sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng bán lẻ online, chuỗi cửa hàng của họ đã phải đóng cửa hoặc giảm quy mô nhiều cơ sở trong suốt năm qua. Doanh thu năm 2015 cũng chỉ tương đương năm trước đó.

Do Won thừa nhận họ gặp nhiều trở ngại. Nhưng ông vẫn rất lạc quan. "Ngành may mặc giờ kinh doanh không dễ. Lượng khách đến mua sắm đã giảm, vì sự xuất hiện của các cửa hàng trực tuyến. Nhưng chúng tôi cũng đã chuẩn bị hoạt động thương mại điện tử của mình rồi. F21 vẫn giữ nguyên kế hoạch mở rộng trên toàn cầu, và sẽ vượt qua khó khăn trong năm nay", ông nói.

Đầu năm nay, Forever 21 được cho là chậm thanh toán cho nhiều nhà cung cấp. Một công ty vận chuyển cũng hủy hợp đồng độc quyền với hãng này, do việc kinh doanh với F21 giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Do Won thì khẳng định "hoạt động kinh doanh vẫn rất tốt".

Bên cạnh đó, dù tài sản cả hai đi xuống những năm gần đây, Do Won vẫn cho biết gia đình là thước đo thành công quan trọng nhất. Khi được hỏi Giấc mơ Mỹ có ý nghĩa thế nào với ông, Do Won đã trả lời: "Với tôi, gia đình là quan trọng nhất. Khi mọi người nói đến Giấc mơ Mỹ, tức là họ đang nói về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng nếu kinh doanh thành công mà gia đình thất bại, tôi cũng chẳng cảm thấy vui vẻ gì", ông kết luận.

Hai vợ chồng ông có hai con gái - Linda và Esther, đều tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu tại Mỹ. Cả hai đều đang làm việc cho Forever 21.

Theo Hà Thu / Forbes

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.