|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đường nội 'hấp hối' trước đường nhập lậu giá rẻ

11:54 | 03/10/2017
Chia sẻ
Theo báo cáo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 23/6, tồn kho tại các nhà máy đường là hơn 675.000 tấn, tại các công ty thương mại là hơn 40.000 tấn. Tổng lượng đường tồn kho trên cả nước khoảng trên 715.000 tấn. Báo động hơn khi mỗi năm có đến trên 400 ngàn tấn đường được nhập lậu vào nước ta, chiếm đến 1/3 sản lượng đường mà các nhà máy đường sản xuất trong nước.
duong noi hap hoi truoc duong nhap lau gia re
Lực lượng chức năng bắt giữ hơn 70 tấn đường nhập lậu thâm nhập sâu vào nội địa tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Công Thư

Tồn kho tăng cao kỷ lục

Theo thống kê của VSSA, sản lượng đường tồn kho trong nước đã ở mức kỷ lục, trên 715 ngàn tấn. Con số này tương đương với gần 3/4 sản lượng đường của các nhà máy trong nước. Riêng tồn kho tại nhà máy đã là 675.000 tấn, trong đó, đường trắng tồn kho 337.000 tấn, đường luyện 313.000 tấn và đường vàng thô gần 67.000 tấn. Ngoài sản lượng đường trong nước, đường tồn kho, thì từ nay đến cuối năm, lượng đường hạn ngạch lên tới 89.500 tấn sẽ được nhập về theo cam kết WTO, thì áp lực sẽ tiếp tục đè nặng cho doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.

VSSA nhận định, đây là mức tồn kho rất cao, chiếm hơn 50% so với lượng đường sản xuất được. Trong khi đó, lượng đường tồn kho trong những năm gần đây chỉ ở mức khoảng 36% trong niên vụ 2014 - 2015 và khoảng 40% niên vụ 2015 - 2016.

Một trong những nguyên nhân khiến lượng đường trong nước tồn kho tăng cao kỷ lục như hiện nay được chỉ ra là do tình trạng đường lậu đang hoành hoành khắp cả nước và gian lận thương mại chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trao đổi với báo chí, ông Hà Hữu Phái, Trưởng Đại diện VSSA tại Hà Nội, đường tồn kho lớn là do chênh lệch giá đường trong nước và đường nhập lậu còn cao, khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg, đã kích thích đường lậu hoạt động mạnh. Việc buôn lậu và gian lận thương mại đường gia tăng từ nhiều năm nay, kể từ năm 2010, năm cao nhất lên đến 500.000 tấn/năm. Đường nhập lậu chủ yếu được sản xuất từ Thái Lan, là nước có chính sách hỗ trợ xuất khẩu theo Luật đường Thái Lan.

Theo khảo sát của VSSA giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội từ 15.600 - 16.300 đồng/kg, miền Trung từ 15.000 - 15.400 đồng/kg, TP Hồ Chí Minh từ 15.600 - 16.400 đồng/kg. Tuy nhiên, giá đường Thái Lan nhập lậu ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) chỉ có 14.000 đồng/kg, ở Đông Hà 14.500 đồng/kg, ở biên giới Tây Nam 14.500 đồng/kg và ở TP Hồ Chí Minh là 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân quan trọng nhất để đường lậu gia tăng đó là sự chênh lệch giá với đường trong nước, tạo nên lợi nhuận cao. Vận chuyển trót lọt 1 bao đường, đối tượng buôn lậu có thể thu lời từ 40 đến 50 nghìn đồng.

1001 phương thức “hợp thức hóa” đường lậu

Điểm “nóng” của những cũng cung đường tập kết, vận chuyển đường lậu hiện nay chủ yếu tập trung ở những tỉnh thuộc có đường biên như An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị… Một trong những thủ đoạn mà các đầu nậu ở đây vẫn sử dụng phổ biến để tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng, là lột vỏ đường cát ngoại pha trộn với đường nội địa. Sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ.

Một hình thức khác cũng hết sức tinh vi, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng đó là quay vòng hóa đơn. Những bao đường ngoại được mua từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, có 1 bộ giấy tờ hợp pháp. Với 1 bộ giấy tờ này, người ta sử dụng để quay vòng cả năm, cho các lô đường nhập lậu khác. Sau khi bán hết số đường thanh lý, người bán giữ lại hoá đơn để hợp thức hoá số đường cát hàng ngày nhập lậu.

Ngoài ra, còn một phương thức đang được các đầu nậu đường kính sử dụng là “phù phép” đường kính trắng thành đường phèn, loại mặt hàng chưa có bất cứ hành lang pháp lý nào để kiểm soát. Gần biên giới đầu nậu sẽ xây dựng những cơ sở chế biến đường phèn. Lợi nhuận từ đường kính nấu thành đường phèn tương đối cao, 1 kg đường cát nhập lậu giá khoảng 13.000 đồng. Sau khi nấu, cô đọng thành đường phèn, giá bán sẽ là 17.000 đồng/kg. Mỗi ngày, một cơ sở có thể cho ra thành phẩm khoảng 3 tấn đường phèn thành phẩm, thu lời hàng chục triệu đồng.

Bên cạnh đó những cung đường nhập lậu ở các tỉnh biên giới Tây Nam, ngành Mía đường trong nước còn phải “đối phó” với tình trạng đường sản xuất từ Trung Quốc đi lòng vòng qua các nước Asean mục đích “rửa nguồn” rồi nhập vào nước ta hưởng thuế suất 0% thay vì mức thuế 13%. Loại đường này có giá bán thấp hơn đường trong nước từ 2 ngàn đồng đến 3 ngàn đồng/1kg. Nhưng theo các chuyên gia, loại đường này này thực chất là một dạng chất ngọt thay thế đang được nhiều công ty bánh kẹo, nước giải khát sử dụng dù hiện vẫn đang còn nhiều tranh cãi về mức độ an toàn của nó.

Tất cả những yếu tố trên đã đẩy đường trong nước vào cơn khốn cùng, nguyên nhân chính khiến lượng đường trong nước tồn kho tăng cao kỷ lục như hiện nay. Đường nhập lậu đang gây nên những hệ lụy rất tai hại, nếu tình trạng này nếu kéo dài, không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, đẩy hàng triệu nông dân trồng mía, cùng toàn ngành sản xuất mía đường trong nước vào thế lâm nguy.

Quang Đông