Tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý I/2022 ở đâu so với các nền kinh tế lớn trong khu vực?
Trong 6 nền kinh tế lớn tại khu vực ASEAN, Philippines là quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao nhất trong khối với mức tăng 8,3%, tiếp theo là Việt Nam với mức tăng 5,03%. Các quốc gia gồm Indonesia, Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 5,01% và 5%.
Trong khi đó, Thái Lan là quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong ba tháng đầu năm 2022 với mức tăng 2,2%, theo sau là Singapore với mức tăng trưởng 3,7%.
Cụ thể, theo công bố của Cơ quan Thống kê của Philippines (PSA), quốc gia này ghi nhận mức tăng 8,3% trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ nhờ vào việc gỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch COVID-19.
Tăng trưởng GDP cao hơn mức 7,8% so với quý IV/2021, đồng thời vượt tốc độ tăng trưởng ghi nhận quý 1/2019 trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát (3,5%).
Chính phủ nước này đang đặt mục tiêu tăng trưởng từ 7 - 9% trong năm nay. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong quý I đã giúp nước này trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á trong quý đầu tiên của năm và tiến gần hơn với mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra.
Trước đó, kinh tế Philippines tăng trưởng 5,7% trong năm 2021 và suy giảm 9,6% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo mới đây của Hội đồng Phát triển kinh tế - xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC), GDP Thái Lan tăng 2,2% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn mức tăng 1,8% của quý IV. Mức tăng trưởng này nhờ vào hoạt động xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ và việc nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch COVID-19 thúc đẩy hoạt động kinh doanh và phục hồi du lịch.
Theo Nikkei Asia, hoạt động xuất khẩu chiếm hơn 60% GDP của Thái Lan và là động lực chính của quốc gia này đã tăng 19,5% trong quý I. Đây là mức tăng cao nhất trong 30 năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh đồng baht suy yếu. Theo đó, đồng tiền của Thái Lan trong tháng này đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Về du khách nước ngoài, ngành đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Thái Lan trước đại dịch, cũng đang bắt đầu nhỏ giọt trở lại. Trong quý đầu tiên của năm 2022, gần một triệu du khách nước ngoài đã tới quốc gia này.
Bên cạnh hoạt động xuất khẩu và du lịch đang thúc đẩy tăng trưởng, nền kinh tế Thái Lan cũng đang rơi vào tình trạng lạm phát khi giá năng lượng và thực phẩm tăng cao làm giảm sức mua và cản trở phục hồi.
Lạm phát của Thái Lan trong tháng 3 đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm, đạt 5,73% và buộc Bộ Thương mại nước này phải nâng mục tiêu lạm phát trung bình năm nay lên 4 - 5%, cao hơn mức dự báo trước đó là 0,7 - 2,4%.
Ngoài ra, NESDC cũng đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 2,5 - 3,5%, giảm từ mức 3,5-4,5% so với dự báo lần trước với nguyên nhân là do lạm phát đảo chiều và cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn đang tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế.
Trong khi đó, theo công bố của Ngân hàng Trung ương Malaysia, quốc gia này ghi nhận tăng trưởng GDP đạt mức 5% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2022. Mức tăng này cao hơn so với quý IV/2021, khi nền kinh tế tăng trưởng 3,6% so với cùng kỳ.
Ngân hàng trung ương nước này đang đặt mục tiêu tăng trưởng từ 5,3 - 6,3% trong năm nay với hy vọng nhu cầu toàn cầu tiếp tục tăng và chi tiêu của khu vực tư nhân cao hơn. Trong khi đó, dự báo chính thức của Chính phủ nước này là 5,5-6,5%.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), tăng trưởng kinh tế nước này duy trì ổn định trong quý đầu tiên năm 2022, ghi nhận mức tăng 5,01% so với cùng kỳ năm ngoài, ngang bằng quý quý IV/2021 khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,02% so với cùng kỳ.
Đối với hoạt động xuất khẩu, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và chiến sự giữa Nga - Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu toàn cầu đối với các mặt hàng như dầu cọ, than đá. Điều này đã giúp xuất khẩu của Indonesia trong tháng 3 lên mức cao nhất từ trước tới nay.
Song xung đột này cũng gây ra những lo ngại về tác động lan tỏa làm suy giảm sự phục hồi toàn cầu khiến Ngân hàng Indonesia đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng năm nay xuống còn 4,5 - 5,3%, thấp hơn mức trước đó là 4,7 - 5,5%.
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất do Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore công bố, tăng trưởng kinh tế quý I/2022 của nước này ở mức 3,7% so với cùng kỳ, cao hơn số 3,4% so với công bố hồi tháng 4.
Bộ này cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Singapore sẽ duy trì ở mức 3 - 5%. Trước khi xung đột giữa Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2, Singapore đã công bố mức tăng trưởng kinh tế 6,1% trong quý IV/2021, khi quốc gia này tiến hành phục hồi kinh tế trong nước, mở của du lịch đối với một số quốc gia.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam ghi nhận GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.
Trong bài viết có tựa đề "Tiếng gầm của một con hổ châu Á mới - Roar of a new Asian tiger", tờ Business Times (Singapore) đã đưa ra nhận định cho rằng Việt Nam có thể trở thành "con hổ châu Á mới" với 6 lý do.
Thứ nhất là sự bùng nổ của tầng lớp giàu có. Thứ hai là môi trường kích lệ việc khởi nghiệp. Thứ ba là sự bùng nổ của năng lượng tái tạo. Thứ tư là sự "khát" lao động. Thứ năm là sự phát triển của thị trường bất động sản. Thứ sáu là nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn.
Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, dần mở cửa nền kinh tế,... kinh tế Việt Nam đã ghi nhận đà phục hồi, khởi sắc. Trong các dự báo và nhận định gần đây của các tổ chức và chuyên gia kinh tế đều đưa ra những đánh giá tích cực về đà phục hồi kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Theo dự báo mới đây của IMF, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 bị hạ xuống 6,05%, từ mức 7% trong dự báo hồi cuối 2021. Song mức tăng này vẫn giúp Việt Nam đứng thứ hai khi so với các quốc gia trong khối ASEAN-6 cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Á, chỉ thấp hơn Phillipines với mức tăng 6,45%.
Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.
Hay trong báo cáo vĩ mô của CTCP Chứng khoán VNDirect mới đây cũng đánh giá Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022 và tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt mức 7,1%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/