Dược Việt Nam (DVN) đặt mục tiêu lợi nhuận cao nhất 6 năm
Theo kế hoạch, Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm - Mã: DVN) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào sáng ngày 30/6 tại Hà Nội.
Tại đại hội, Vinapharm sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất 5.918 tỷ đồng, tăng 4% so với kết quả năm trước (5.672) và lợi nhuận trước thuế 335 tỷ đồng, gấp 2,5 lần. Nếu đạt được, đây sẽ là mốc lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2017.
Theo ban lãnh đạo công ty, năm nay doanh thu ngành dược Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 8%, đạt 169.000 tỷ đồng (tương đương 7,2 tỷ USD). Sau đại dịch, các khía cạnh của nền kinh tế dần ổn định, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ.
Quá trình mở cửa chậm chạp của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nguồn cung hoạt chất và tá dược do khoảng 65% lượng hoạt chất cho sản xuất thuốc của Việt Nam đến từ quốc gia này. Bên cạnh đó, tình hình xung đột Nga - Ukraine cũng có khả năng làm ảnh hưởng nguồn hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ châu Âu.
Do đó, các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ có lợi thế tốt hơn.
Ngoài ra, ngành dược cũng có một số thông tin tích cực từ phía các cơ quan quản lý. Chính phủ và Bộ Y tế đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu cho các đơn vị y tế công lập và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược.
Công ty xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay bao gồm, nghiên cứu phương án tăng tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị thành viên có tốc độ tăng trưởng tốt, tỷ lệ chia cổ tức cao, định hướng phát triển bền vững; tuy nhiên cũng tìm kiếm cơ hội với các doanh nghiệp dược ngoài doanh mục thành viên.
Bên cạnh đó, là hỗ trợ CTCP Dược phẩm Sanofi - Synthelabo VN (SSV) thực hiện các thủ tục chuyển nhượng 37 nhãn hiệu và giải thể công ty. Triển khai mua tiếp 15% cổ phần của CTCP Sanofi Việt Nam ngay sau khi SSV hoàn thành thủ tục giải thể.
Về phương án phân phối lợi nhuận, công ty trình cổ đông phương án không chia cổ tức cho năm 2022 và dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 5% bằng tiền, tương ứng 500 đồng/cổ phiếu. Với 237 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần khoảng 119 tỷ để chia cổ tức năm 2023.
Công ty cũng sẽ trình cổ đông về phương án chi trả thù lao cho các cán bộ quản lý các năm 2022-2023 và lựa chọn đơn vị kiểm toán cho năm 2023 là một trong 4 công ty kiểm toán lớn (E&Y Việt Nam; PwC Việt Nam; KPMG Việt Nam và Deloitte Việt Nam).
Quỹ PVI không còn là cổ đông lớn
Thực hiện thao công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/6, Bộ Y tế đã chuyển giao quyền đại diện sở hữu phần vốn Nhà nước tại Vinapharm sang cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Tính đến cuối năm 2022, Vinapharm là doanh nghiệp Nhà nước có vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng, trong đó có hai cổ đông lớn gồm Bộ Y tế đại diện sở hữu phần vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ 65% và CTCP Quản lý Quỹ PVI nắm 18,14% vốn.
Tuy nhiên trong hai ngày 25 và 26/5, Quỹ PVI đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinapharm xuống còn 12,1% và ngày 31/5, tiếp tục giảm tỷ trọng nắm giữ xuống còn 5,99%.
Ngày 1/6, Quỹ PVI tiếp tục bán ra cổ phiếu DVN và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,75%, qua đó không còn là cổ đông lớn của Vinapharm.