Dược Việt Nam (DVN) kinh doanh ra sao trước khi chuyển giao từ Bộ Y tế về SCIC?
Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm – Mã: DVN) tiền thân là Tổng công ty Dược, được thành lập vào tháng 4 năm 1971 trên cơ sở sát nhập 3 Cục trực thuộc Bộ y tế.
Tháng 6/2016, công ty thực hiện IPO hơn 42,57 triệu cổ phần ra công chúng, tương ứng 18% vốn điều lệ. Đến tháng 5/2017, công ty giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu là 10.400 đồng/cp.
Vinapharm có vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay, trong đó Bộ Y tế nắm 65% cổ phần. 17% vốn điều lệ do CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương nắm, đây là số cổ phần mua lại từ đợt IPO. Tuy nhiên đến tháng 4/2022, tập đoàn này đã bán ra toàn bộ cổ phần nắm giữ. Chiều ngược lại, Quỹ đầu tư cơ hội PVI mua vào 38,5 triệu đơn vị, tương đương 16,24% và chính thức thế chân nhóm Việt Phương tại Vinapharm.
Nói về sự rút lui của nhóm Việt Phương, đại diện Vinapharm cho hay việc thoái vốn này nhằm tái cấu trúc tài chính và danh mục đầu tư. Tuy nhiên, Việt Phương vẫn cam kết sẽ gắn bó và đồng hành cùng Vinapharm. Còn sự góp mặt của quỹ đầu tư PVI được cho là thổi làn gió mới cho hoạt động đầu tư, tài chính và mang lại hiệu quả cho Vinapharm, ông Đinh Xuân Hấn, Tổng giám đốc nói.
Tháng 5/2023, nhóm quỹ đầu tư PVI bất ngờ thoái tổng cộng hơn 11,6 triệu cổ phiếu DVN và giảm tỷ lệ xuống 12,01% vốn điều lệ.
Diễn biến mới đây nhất, ngày 2/6, Vinapharm đã được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Y tế sang Tổng công Ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Theo kế hoạch, hạn chót đến năm 2020, nhà nước sẽ thoái vốn tại Vinapharm từ 65% xuống 36%. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT cho biết công ty quyết tâm thực hiện thoái vốn nhà nước sau thời gian chậm trễ.
“Nếu chưa thoái vốn được thì chúng ta sẽ không thực hiện được những mục tiêu, hoạt động khác như: đầu tư tài chính, đầu tư vào các doanh nghiệp ngành dược khác có hiệu quả, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng tái cơ cấu đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp khác”, ông Sơn đánh giá.
Vinapharm kinh doanh ra sao?
Vinapharm hoạt động trong 4 mảng chính, là sản xuất thuốc, đầu tư tài chính, phân phối thuốc vắc xin và sinh phẩm y tế song song với nghiên cứu tương đương sinh học. Vinapharm sở hữu hệ thống phân phối dựa trên cơ sở của các công ty thành viên với gần 20.000 m2 trên cả ba miền.
Trái chiều với sự kì vọng vào một cuộc lột xác trong định hướng chiến lược và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Vinapharm dù nằm trong top đầu về doanh thu nhưng lợi nhuận lại khiêm tốn so với quy mô.
Doanh thu thuần của Vinapharm suy giảm dần từ mức 6.814 tỷ đồng (năm 2017) về 4.873 tỷ đồng (năm 2021), tương ứng giảm hơn 28%. Phần lớn doanh thu đến từ bán hàng hóa và thành phẩm, chiếm trên 98%. Sang năm 2022, kết quả doanh thu hồi phục 14% so với năm trước đó lên 5.540 tỷ đồng, được giải thích do sự hồi phục của kênh bán thuốc qua bệnh viện (kênh ETC) phục hồi mạnh.
Giai đoạn 2017 – 2021, lợi nhuận trước thuế của Vinapharm đều đặn trên 200 tỷ đồng/năm. Sang năm 2022, do giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu thuần, cộng thêm phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư khiến lợi nhuận năm 2022 giảm sút về 132 tỷ đồng.
Vinapharm giải thích, việc đồng USD tăng giá cùng với lãi suất liên tục tăng cao đã tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành dược do ngành vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn đầu vào nhập khẩu (trị giá thuốc nhập khẩu chiếm 55% - trên 70% tổng trị giá tiền thuốc sử dụng trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021, nguồn nguyên liệu cũng phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu). Đồng thời nhiều doanh nghiệp trong ngành có tỷ lệ vốn vay cao, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối như CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha, Dược phẩm Trung ương CPC1 - công ty con của tổng công ty là các yếu tố khiến lợi nhuận của công ty giảm sút.
Sang năm 2023, tổng công ty kỳ vọng sẽ lãi trước thuế 334 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi lên UPCoM. Trong năm nay, Vinapharm có kế hoạch tìm kiếm các cơ hội M&A các doanh nghiệp dược để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Song song đó sẽ xem xét thoái vốn tại các công ty kém hiệu quả hoặc không phù hợp chiến lược phát triển của tổng công ty.
Tính đến cuối quý I/2023, Vinapharm có 4 công ty con với tổng đầu tư 286 tỷ đồng. Song song đó tổng công ty còn rót vốn 868 tỷ đồng vào 8 công ty liên kết và hơn 862 tỷ đồng vào 20 đơn vị khác.
Hầu như các thành viên này hoạt động trong ngành dược, một số đang niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán gồm Dược phẩm Trung ương 3 (Mã: TW3), Dược phẩm OPC (Mã: OPC), CTCP Y dược Phẩm Vimedimex (Mã: VMD), Imexpharm (Mã: IMP),…
Theo báo cáo thường niên của công ty, doanh thu ngành dược Việt Nam năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 8%, đạt 169.000 tỷ đồng (7,2 tỷ USD). Sau đại dịch, các khía cạnh của nền kinh tế dần ổn định trở lại, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe.
Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược do khoảng 65% API được sử dụng trong việc sản xuất thuốc tại Việt Nam là từ Trung Quốc. Quá trình mở cửa chậm chạp của quốc gia này khiến tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn, các hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ Châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn.
Các doanh nghiệp dược phẩm lớn của Việt Nam vẫn tiếp tục định hướng theo đuổi mục tiêu đạt chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất. Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này, đồng thời giảm áp lực cạnh tranh.
Áp lực đầu vào đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp quý I/2023 của các doanh nghiệp ngành dược. Vinapharm tuy có doanh thu lớn nhất nhưng biên lợi nhuận xếp sau rất nhiều các doanh nghiệp đang niêm yết cùng như Dược Hậu Giang, Vimedimex, Traphaco, Dược phẩm OPC,…
Tính đến cuối tháng 3/2023, tổng tài sản của Vinapharm hơn 5.643 tỷ đồng, trong đó chiếm nhiều nhất là các khoản phải thu ngắn hạn (1.749 tỷ), kế đến là khoản đầu tư tài chính vào các công ty thành viên (1.648 tỷ). Quý I/2023, Vinapharm nhận về gần 25 tỷ đồng tiền cổ tức được chia, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Về phía nguồn vốn, dư nợ đi vay là 965 tỷ đồng, chiếm 35% tổng nguồn vốn. Ba tháng đầu năm, công ty tốn 20 tỷ đồng cho chi phí lãi vay. Trong khi nhận về gần 14 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.
Sở hữu nhiều đất vàng ở Hà Nội, TP HCM
Sức hấp dẫn của Vinapharm không nằm ở hoạt động kinh doanh, cổ tức tiền mặt 300 – 700 đồng/cp hằng năm, mà phụ thuộc lớn vào các dự án triển khai như trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược, cơ sở khám chữa bệnh, vùng dược liệu và nhà máy chiết xuất dược liệu... và các dự án liên doanh hợp tác ở các khu đất vàng mà Tổng công ty đang nắm giữ tại Hà Nội và TP HCM.
Hiện tại, Vinapharm quản lý khu đất 3.280 m2 khu tập thể số 95 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội). Công ty đang xây dựng kế hoạch hợp tác cùng các đối tác để xây dựng dự án Trung tâm dược phẩm, cao ốc văn phòng, căn hộ…
Bên cạnh đó, tổng công ty đang quản lý khu đất 2.670 m2 ở phố Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội). Công ty đang hợp tác cùng Vinaconex PVC (PVV) xây dựng dự án tổ hợp dịch vụ, thương mại văn phòng và nhà ở chung cư. Song song đó còn có khu đất 1.863 m2 là trụ sở của công ty trên phố Ngô Tất Tố.
Tại TP HCM, Vinapharm đang sở hữu một vài khu đất như 1.236 m2 (số 178 Điện Biên Phủ, quận 3); khu đất ở 691 m2 (số 126A Trần Quốc Thảo, quận 3) được sử dụng là văn phòng đại diện công ty. Toàn bộ đều là các lô đất Tổng công ty được thuê đất sử dụng trả tiền hàng năm.