|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVS và bước chuyển mình sang lĩnh vực năng lượng tái tạo

10:35 | 30/05/2023
Chia sẻ
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, cú chuyển mình sang năng lượng tái tạo sẽ giúp gia tăng lợi thế của PVS so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Đồng thời, thi công chế tạo cho các dự án điện gió ngoài khơi được nhận định sẽ dần trở thành mảng kinh doanh chính của PVS.

Chuyến công tác của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đến kho nổi FPSO Lam Sơn của PVS. (Ảnh: PVS).

Cổ phiếu tăng 20% chưa đầy tháng

Ngày 9/2/1993, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được thành lập trên cơ sở sáp nhập giữa hai Công ty Địa vật lý và Dịch vụ Dầu khí (GPTS) và Công ty Dịch vụ Dầu khí (PSC).

Trải qua thời gian hoạt động và tái cấu trúc các đơn vị, năm 2006, doanh nghiệp thay đổi thành CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Cùng năm, công ty cũng đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với mức giá trúng bình quân là 37.256 đồng/cp.

Đến năm 2007, doanh nghiệp chuyển đổi thành Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC – mã: PVS), hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Tháng 9/2007, cổ phiếu PVS chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngay trong phiên đầu tiên (ngày 20/9/2007), đã có 314.000 cổ phiếu PVS được giao dịch với mức giá cao nhất là 148.900 đồng/cổ phiếu, thấp nhất là 119.000 đồng/cp và mức giá trung bình của phiên là 127.900 đồng/cổ phiếu.

Kể từ khi niêm yết, giá cổ phiếu PVS đã có những đợt biến động tăng, giảm rất mạnh mặc dù kết quả kinh doanh duy trì tăng trưởng khá ổn định. Như giai đoạn từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2013, PVS có thời gian dài giao dịch dưới mệnh giá trước khi bật tăng trở lại vào đầu năm 2014.

Giai đoạn 2008-2013 cũng là giai đoạn mà PVS ghi nhận sự tăng trưởng khá nhanh về doanh thu khi tăng từ 8.672 tỷ đồng năm 2008 lên 25.429 tỷ đồng vào năm 2013. Lãi ròng giai đoạn này cũng đã tăng từ 537 tỷ đồng lên 1.576 tỷ đồng.

Hiện tại, cổ phiếu PVS đang được giao dịch ở mức hơn 30.000 đồng/cổ phiếu và tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu tháng 5. 

Giá cổ phiếu PVS đi theo những cơn sóng có sự biến động mạnh và không tương quan với kết quả kinh doanh. (Nguồn: TradingView).

Dịch vụ cơ khí dầu khí đóng góp phần lớn doanh thu

Hiện nay, PVS đang có vốn điều lệ gần 4.780 tỷ đồng và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang là cổ đông lớn duy nhất của PVS khi nắm 51,38% vốn điều lệ.

PVS hoạt động chính trong các mảng Cơ khí dầu khí; Kho nổi (FSO/FPSO); Lắp đạt, vận hành, bảo dưỡng công trình biển; Căn cứ cảng dịch vụ; Tàu dịch vụ dầu khí; Khảo sát địa chất, sữa chữa công trình ngầm; Công trình công nghiệp và mới đây là lĩnh vực Năng lượng tái tạo với các dự án điện gió ngoài khơi.

Công ty đã có 6 chi nhánh, 1 văn phòng đại diện, 12 công ty con và 6 công ty liên kết cả trong và ngoài nước.

Công ty sở hữu, quản lý đội tàu dịch vụ dầu khí với tổng số 19 chiếc và có 6 kho nổi đang hoạt động. Bên cạnh đó, PVS vận hành 8 căn cứ cảng tại ba miền với tổng diện tích hơn 360 ha và trên 2.700 m cầu cảng.

Theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), PVS đang chiếm thị phần áp đảo ở các ngành liên quan dịch vụ dầu khí như dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí chiếm 97%; cơ khí dầu khí và dịch vụ căn cứ cảng chiếm 100% thị phần và dịch vụ kho nổi chiếm 60%.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng vừa tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo và là doanh nghiệp tiên phong của PVN, có đầy đủ cơ sở pháp lý để chính thức tham gia với vai trò nhà đầu tư và phát triển dự án.

Mặc dù hoạt động trên nhiều lĩnh vực, song, hầu như 50% doanh thu của PVS đến từ Dịch vụ cơ khí dầu khí.

Năm 2022, PVS có doanh thu thuần 16.373 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó (không tính doanh thu với bên liên quan), mảng dịch vụ cơ khí dầu khí đóng góp 8.697 tỷ đồng, chiếm 53%; mảng kho nổi xếp thứ hai với 1.874 tỷ đồng doanh thu, chiếm 11%.

Cơ cấu doanh thu các mảng của PVS. (Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính của PVS).

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính của PVS và dự phóng của SSI Research). 

Sang quý đầu năm 2023, PVS đạt được doanh thu 3.704 tỷ đồng và lãi ròng 215 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Mảng dịch vụ Cơ khí dầu khí tiếp tục duy trì tỷ trọng đóng góp lớn nhất vào doanh thu với 2.131 tỷ đồng, chiếm 58%.

Cả năm, SSI Research dự phóng doanh nghiệp có thể đạt 17.493 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6,6% so với cùng kỳ nhờ đóng góp từ tổng thầu EPC và kho nổi cao hơn. Song, lãi ròng có thể giảm 3% về 809 tỷ đồng.

SSI Research cũng ước tính giá trị backlog giai đoạn 2023-2025 của PVS dự kiến là 1,4 tỷ USD tăng hơn 21% so với giai đoạn 2020-2022.

Chuyển mình sang năng lượng tái tạo

Ngoài các mảng dịch vụ truyền thống liên quan đến lĩnh vực dầu khí, cuối năm 2021, PVS đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và được cổ đông đồng ý bổ sung thêm lĩnh vực kinh doanh liên quan đến năng lượng tái tạo.

Trước đó, PVS đã tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam Bộ như vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm. Công ty cũng đang cung cấp dài hạn tàu chuyên dụng phục vụ công tác vận chuyển nhân sự, thiết bị vận hành và bảo dưỡng tại dự án điện gió Bình Đại – Bến Tre và dự án điện gió tại Trà Vinh.

PVS cũng thực hiện hợp đồng cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR đo gió, thủy văn cho dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long của Enterprize Energy tại khu vực biển Bình Thuận. 

Theo báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), năng lượng tái tạo đang trở thành mảng kinh daoanh chiến lược của PVS. Về lâu dài, mảng này sẽ giúp công ty nổi trội hơn các doanh nghiệp khác trong ngành.

Còn với dịch vụ dầu khí truyền thống, PVS đã là một thương hiệu có quá trình tích luỹ kinh nghiệm đáng kể và đang vươn ra khu vực, khi ngành dầu khí sôi động trở lại PVS sẽ có sự tăng tốc mạnh mẽ.

MBKE cũng nhận định PVS nhiều khả năng sẽ giành được những hợp đồng điện gió ngoài khơi lớn trong thời gian tới. 

Trong năm 2022, PVS cũng đã giành được hợp đồng EPCI cho hai trạm biến áp ngoài khơi cho dự án trang trại gió của Hải Long, được cấp cho liên doanh Semco Maritime và PTSC M&C (công ty con 100% vốn của PVS). Tổng giá trị hợp đồng là 180 triệu USD trong 4 năm từ 2023 đến 2026.

Với các dự án này, đóng góp của năng lượng tái tạo vào kết quả kinh doanh của PVS sẽ bắt đầu lớn hơn và nâng cao danh tiếng doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Điều này cũng có thể mở đường cho nhiều hợp đồng hơn cho PVS trong tương lai khi thế giới đang có xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh.

Hay mới đây, công ty vừa công bố ký hợp đồng chế tạo 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho Công ty Orsted (Đài Loan). 

Tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra, Tổng giám đốc PVS, ông Lê Mạnh Cường cho biết việc tham gia thi công 33 chân đế cho đối tác Đài Loan đã chính thức tạo chuỗi cung ứng của bản thân PVS nói riêng và chuỗi cung ứng cho Việt Nam nói chung, hướng tới hình thành trung tâm cơ khí chế tạo cho năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK). 

Hiện tại ngoài thị trường Đài Loan, PVS đã tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu cho mảng trạm biến áp ở nước ngoài. Công ty cũng đang tham gia đấu thầu NLTTNK ở các thị trường Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và cũng đang nhắm tới khu vực tiềm năng là châu Úc.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Đông đang có nhu cầu về năng lượng tái tạo, nên công ty cũng đang nghiên cứu về khu vực này. 

Ông Cường tiết lộ: "Nhìn chung các dự án PVS tham gia có quy mô vốn rất lớn. Khi bắt đầu giai đoạn đầu tư công ty sẽ phải thực hiện gọi vốn." 

 Cấu kiện của trạm biến áp dự án Hải Long sẽ được chế tạo tại công trường của PTSC M&C tại TP Vũng Tàu. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Hơn nữa, với Quy hoạch điện 8 vừa được thông qua, Chứng khoán VNDirect dự kiến Việt Nam sẽ đưa vào vận hành 6.000 MW điện gió ngoài khơi đầu tiên trong giai đoạn 2021-2030. Sau đó, sẽ bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn nguồn điện này với tăng trưởng kép đạt 15% trong giai đoạn 2030-2050, chiếm 16% tổng công suất nguồn điện. 

Quy hoạch điện 8 cũng được VCBS nhận định là bước chuyển mình của PVS khi thi công chế tạo cho các dự án điện gió ngoài khơi dần dần sẽ trở thành mảng kinh doanh chính của PVS. Bên cạnh đó, năm nay, PVS – Vietsopetro – PVX (Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam) thành lập tổ hợp phát triển chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi.

Với lợi thế hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ liên quan để thực hiện các dự án trên biển, nên tổ hợp phát triển có nhiều lợi thế, năng lực để triển khai dự án năng lượng tái tạo.

Tỷ trọng tiền mặt cao trong cơ cấu tài sản

PVS là một doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ lượng tiền mặt cao trong cơ cấu tài sản. Cuối quý I, doanh nghiệp có gần 10.196 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngắn hạn, chiếm 40% tổng tài sản.

Từ 2015, doanh nghiệp luôn giữ tỷ lệ nắm giữ tiền mặt cao trong cơ cấu tài sản, điều này có thể giúp doanh nghiệp phần nào chủ động trong các kế hoạch tài chính của doanh nghiệp.

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính của PVS).  

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ nợ vay của PVS trong cơ cấu nguồn vốn lại chiếm tỷ lệ khá thấp và có xu hướng giảm trong giai đoạn 2015-2018, sau đó duy trì đi ngang. Điều này cũng giúp giảm đáng kể chi phí lãi vay của PVS kể từ năm 2015 so với trước đó. 

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính của PVS).  


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đăng Nguyên

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.