PVS ước tính vượt 28% mục tiêu lợi nhuận năm
Ngày 10/12, tại buổi làm việc với Tập đoàn PVN, lãnh đạoTổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) cho biết năm 2024, PVS ghi nhận doanh thu ước đạt 24.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ đồng; tăng 24% về doanh thu song giảm 14% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đã vượt 55% chỉ tiêu doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ngoại trừ lĩnh vực dịch vụ cơ khí dầu khí có doanh thu tương đương năm ngoái, tất cả các lĩnh vực hoạt động khác của PVS đều có sự tăng trưởng, đặc biệt lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi tăng trưởng 32% so với năm ngoái.
Về kế hoạch năm 2025, PVS dự kiến mục tiêu tổng doanh thu 22.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 40% so với kế hoạch năm 2024. Lãnh đạo PVS cũng cho biết doanh nghiệp sẽ tiếp tục định hướng tăng cường đầu tư nên lợi nhuận giữ ở mức độ ổn định.
PVS đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực năng lượng tái tạo thông qua việc đấu thầu quốc tế, trúng thầu hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 chân đế điện gió ngoài khơi, dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch).
Dự án CHW2204 tại Đài Loan có tổng công suất 920 MW, là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 19/5/2023, PVS và Công ty Ørsted Taiwan Ltd (Ørsted) đã ký kết Hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế cho dự án.
Tiếp theo, PTSC đã tiếp tục đấu thầu và trúng thầu cung cấp chân đế trụ điện gió ngoài khơi cho dự án với quy mô lớn hơn dự án CHW2204 của khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh các dự án chế tạo chân đế trụ điện gió ngoài khơi, PVS còn làm ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ tổng thầu các trạm biến áp cho các công trình điện gió ngoài khơi.
Liên danh Semco Maritime và PTSC M&C đã được trao tổng thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo cho bốn trạm biến áp ngoài khơi (OSS) có công suất 375 MW mỗi trạm và bốn hệ thống khung hỗ trợ cho dự án Baltica 2 OWF -một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, được quy hoạch phát triển tại khu vực Biển Baltic thuộc lãnh hải Ba Lan.
Trong một sự kiện đầu tháng 12, lãnh đạo PVN đã kiến nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ xem xét trước mắt tạo điều kiện thuận lợi để PVS phát triển dự án điện gió ngoài khơi xuất khẩu sang Singapore, coi đây là dự án thí điểm, đưa dự án làm trọng tâm trong hợp tác kinh tế giữa hai chính phủ, hai nước.
Chứng khoán Vietcap cho biết tính đến cuối quý III, PVS tuyên bố đã ký được hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD, trong đó 1,5 tỷ USD đến từ điện gió ngoài khơi và 1 tỷ USD đến từ Lô B.
Đơn vị phân tích này kỳ vọng PVS sẽ ghi nhận lợi nhuận đáng kể trong quý IV trở đi, do PVS đã nhận được 587 tỷ đồng tiền ứng trước cho dự án Lạc Đà Vàng vào ngày 30/9 và gói thầu EPCI 1 của Lô B đã chính thức khởi công vào đầu tháng 9.
Liên quan tới vấn đề nhân sự, cách đây vài ngày, HĐQT của PVS đã thông qua việc miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc với ông Lê Mạnh Cường từ ngày 6/12. Đồng thời bổ nhiệm ông Trần Hồ Bắc - Phó Tổng Giám đốc giữ chức Tổng Giám đốc với thời hạn 5 năm kể từ ngày 6/12.
Tân CEO Trần Hồ Bắc sinh năm 1978, trình độ Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư Quản trị doanh nghiệp, Kỹ sư Cơ khí. Ông Bắc được bổ nhiệm lên làm Phó Tổng Giám đốc của PVS từ ngày 10/8/2018 tới nay.