|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sotrans (STG) có gì hấp dẫn để doanh nghiệp Singapore chi gần 1.300 tỷ đồng nắm 25% cổ phần?

14:37 | 26/05/2023
Chia sẻ
Sotrans nằm trong top 3 trong ngành logistics Việt Nam, cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đều ghi nhận sự bứt phá sau khi nhà nước thoái vốn.

Tuần trước, PSA Cargo Solution Vietnam Investments Pte.Ltd -  một doanh nghiệp ngành logistics có địa chỉ tại Singapore đã chi gần 1.300 tỷ đồng mua thỏa thuận 24,46 triệu cổ phiếu STG (24,9% vốn điều lệ) của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans). Giao dịch này đã lọt top cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trên HOSE trong ngày 15 – 19/5. Như vậy ước tính giá bình quân là 52.520 đồng/cp.

Cũng thời gian này, CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần lại muốn bán hơn 29,48 triệu cổ phiếu STG nhằm giảm tỷ lệ nắm giữ từ 98,9% xuống 68,9% vốn điều lệ. Dự kiến giao dịch sẽ diễn ra từ 19/5 – 16/6 theo khớp lệnh trực tiếp hoặc giao dịch thỏa thuận hoặc thông qua chào mua công khai.

Như vậy nhiều khả năng, In Do Trần đã chuyển nhượng thành công 24,9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cổ phiếu STG của Sotrans đang giao dịch ở vùng đỉnh với 49.250 đồng/cp chốt phiên 24/5. (Nguồn: TradingView).

Cơ cấu cổ đông liên tục biến động

Trước tháng 7/2015, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu 47,73% vốn cổ phần của Sotrans. Bên cạnh đó còn có Chứng khoán Bản Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), CTCP Đầu tư Sài Gòn Thương Tín.

Sau khi cổ đông nhà nước thoái vốn, tỷ lệ sở hữu Sotrans có nhiều biến động, một số nhà đầu tư chỉ nắm giữ trong vài tháng rồi thoái vốn. Cụ thể, các nhà đầu tư gồm bà Trịnh Thị Hương, bà Trịnh Thị Vân mỗi người mua 17,96% và Công ty Sông Đà 909 mua vào 11,81%. Chỉ sau khoảng 1 tháng, cả ba cổ đông này đều đã thực hiện chuyển nhượng cho một nhóm nhà đầu tư khác.

Lớp cổ đông mới là CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần, Quỹ đầu tư Khám phá giá trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VVDIF), Công ty Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital) và CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC). Tính đến cuối năm 2015 nhóm này sở hữu 51,3% vốn của Sotrans.

Thời gian sau, một số nhà đầu tư tổ chức lần lượt xuất hiện nhưng chỉ nắm giữ trong thoáng chốc, gồm Chứng khoán IB (8,62%) , CTCP SCI (7,07%), Quỹ đầu tư khám phá giá trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (13,79%).

Vào cuối năm 2016, Sotrans đón thêm cổ đông lớn mới là Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) với tỷ lệ sở hữu gần 24,93% vốn. Sau đó, Gelex chính thức trở thành công ty mẹ nắm 51,03% tại Sotrans vào tháng 3/2017. 

Gelex cho biết việc mở rộng sang mảng này là do nhu cầu logistics hằng năm rất lớn trong nội bộ các công ty thành viên, đón đầu xu thế tăng trưởng mạnh của ngành nhờ quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu của Việt Nam.

Cuộc đua tăng sở hữu vẫn tiếp diễn mãi cho đến năm 2020, Gelex đã rút hết vốn và một mình In Do Trần nắm tới 96,74% vốn điều lệ của Sotrans. Gần đây nhất, tháng 5/2023, In Do Trần đã gom thêm cổ phiếu STG và nâng sở hữu lên 98,9% trước khi cổ đông ngoại gia nhập.

  Nguồn: MH tổng hợp từ công bố thông tin của Sotrans.

Sotrans có gì hấp dẫn để cổ đông nước ngoài

mạnh tay xuống tiền?

Theo giới thiệu, Sotrans được thành lập từ năm 1975 với hệ thống kho và vận chuyển chủ lực của ngành thương mại, đến năm 2007 công ty chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần với vốn điều lệ thời điểm đó là 51 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực kho đa chức năng, kinh doanh xăng dầu, giao nhận vận tải quốc tế.

Sotrans được giới thiệu thuộc top 3 trong ngành logistics tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Sotrans).

Website của Sotrans giới thiệu công ty hiện đang thuộc top 3 trong ngành giao nhận vận tải quốc tế, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và dịch vụ kho đa chức năng tại Việt Nam.

Trong đó, kinh doanh kho hiện đang là thế mạnh của Sotrans với hệ thống kho ngoại quan và kho chứa hàng đa chức năng. Hệ thống kho của công ty hiện có hơn 230.000 m2, nằm tại trung tâm TP HCM, các khu vực lân cận và các khu công nghiệp tiếp giáp với sông Sài Gòn thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ lẫn đường sông.

Từ năm 2016, Sotrans bắt đầu tăng vốn thần tốc. Bên cạnh bổ sung hoạt động kinh doanh, Sotrans còn dùng để thâu tóm các đơn vị cùng ngành. Nổi bật là việc thế chân SCIC tại Tổng CTCP Đường sông miền Nam (Mã: SWC) và CTCP Vận tải Đa phương thức Vietranstimex (Mã: VTX) năm 2016.

Tính đến cuối quý I/2023, Sotrans sở hữu 8 công ty con và 6 công ty liên doanh liên kết với tổng đầu tư hơn 1.463 tỷ đồng, hầu hết các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực vận tải, dịch vụ cảng như CTCP Cảng Miền Nam, Cảng Đồng Nai, Vietranstimex, SWC,…

Với việc M&A các công ty, Sotrans hướng tới hệ sinh thái logistics như SWC phát triển lõi về cảng biển, xà lan, đóng tàu. Vietranstimex tập trung vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và Sotrans Logistics dồn lực cho mảng kho bãi, giao nhận, vận tải, cước vận tải quốc tế.

Sotrans cũng đã được các tập đoàn đa quốc gia như Cargil,, PepsiCo, Samsung, P&G, Colgate-Palmolive, FrieslandCampina, Texhong... lựa chọn là nhà cung ứng dịch vụ logistics tại thị trường Việt Nam. 

Trong tương lai, công ty sẽ tiếp tục phát triển đa ngành với các hoạt động đầu tư cảng, trung tâm phân phối, hậu cần, tiếp vận, trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng phức hợp (theo quy hoạch của thành phố và các tỉnh). Sotrans đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2024 sẽ tăng trưởng 250%.

Xét về dài hạn, các yếu tố thuận lợi về địa chính trị giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nên nhìn rộng ra, cảng biển, logistics vẫn sẽ là ngành có mức tăng trưởng tốt. Theo quy hoạch tổng thể ngành cảng biển đến năm 2030, lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến đạt 38 - 47 triệu TEU/năm, tương ứng tăng trưởng 7 - 10%/năm. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ngoại "để mắt" đến Sotrans và mạnh tay xuống tiền. 

 Các dịch vụ do Sotrans cung cấp. (Ảnh minh họa: Sotrans).

Sotrans kinh doanh bùng nổ sau khi nhà nước thoái vốn

Kể từ khi niêm yết trên sàn (2010) đến trước khi SCIC thoái vốn, Sotrans duy trì với số vốn điều lệ 83,5 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh đi ngang với doanh thu khoảng 600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dao động 25 tỷ - 34 tỷ đồng mỗi năm.

Thế nhưng tròn 1 năm sau khi SCIC rút lui, Sotrans đã liên tục tăng vốn và đưa mức vốn điều lệ lên 854,4 tỷ đồng vào năm 2016, gấp 10 lần ban đầu, giúp kết quả công ty có nhiều bước tiến triển, đồng thời sức khỏe tài chính được cải thiện từ đây.

Năm 2022, doanh thu của Sotrans (94% đến từ mảng dịch vụ) đạt 2.639 tỷ đồng, gấp 2,5 lần thời điểm SCIC thoái vốn. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Sotrans).

Từ năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Sotrans khởi sắc. Trong đó, kết quả đột biến của năm 2017 tăng vọt lên 521 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận gần 590 tỷ đồng, gấp 19 lần năm 2016.

Theo thuyết minh, doanh thu hoạt động tài chính năm 2017 của Sotrans tăng đột biến chủ yếu nhờ lãi thanh lý các khoản đầu tư và lãi đầu tư chứng khoán, trong khi năm 2016 không ghi nhận. (Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2017).

Tới hai năm đại dịch 2021 và 2022, lợi nhuận sau thuế của Sotrans tăng vọt so với giai đoạn 2018 - 2020 lên khoảng 250 tỷ đồng/năm, gấp 2 lần ba năm liền trước. Biên lãi gộp ổn định 17% - 21% mỗi năm.

Ba tháng đầu năm 2023, Sotrans ghi nhận 385 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 42 tỷ, giảm lần lượt 48% và 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp đạt 23,3%, cải thiện so với mức 16,4% của quý I/2022.

 Lợi nhuận sau thuế của Sotrans bắt đầu khởi sắc sau 2015. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Sotrans).

Việc tăng vốn sau giai đoạn cổ đông nhà nước thoái vốn giúp cho tổng tài sản của Sotrans lớn nhanh, từ mức 672 tỷ đồng tại cuối 2015 lên 2.771 tỷ (cuối quý I/2023), tức gấp 4 lần. Bên cạnh đó, cơ cấu nợ phải trả dưới 30% trong những năm gần đây, cải thiện so với thời điểm SCIC còn hiện diện là 73% (năm 2015).

Cơ cấu nợ phải trả của Sotrans duy trì dưới 30% những năm gần đây, cải thiện so với năm 2015 là 73%. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Sotrans).

Tài sản nới rộng và việc tăng vốn nhanh nhưng lợi nhuận sau thuế tạo ra tương ứng không đủ giúp ROA và ROE cải thiện. Năm 2022, hai chỉ số này lần lượt 9% và 12%, thu hẹp so với mức 20% và 29% của thời điểm lên sàn (2010).

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Sotrans. 

Minh Hằng