Ngành dược phẩm tiếp tục 'sống khỏe'
Sau khi tiếp tục đối diện nhiều thử thách trong năm COVID-19 thứ hai, triển vọng tăng trưởng của ngành dược năm 2022 cho tín hiệu tích cực hơn so với năm 2021. Tiếp nối nửa đầu năm, bức tranh ngành dược phẩm quý III/2022 vẫn nhiều điểm sáng với đà tăng trưởng đến từ nhiều doanh nghiệp.
Quý III, Dược Hậu Giang (Mã: DHG) ghi nhận doanh thu thuần 1.162 tỷ đồng, lãi sau thuế 262 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và tăng 30% so với mức nền thấp của quý cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin vào quý IV/2004.
Tương tự, Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu thuần tăng 63%, lợi nhuận sau thuế cải thiện 78%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Traphaco (Mã: TRA) chỉ đạt một con số, lần lượt là 6% và 9%.
Tổng công ty Dược Việt Nam (Mã: DVN) dù báo doanh thu đi lên so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế giảm 32%. Nguyên nhân do các chi phí tăng mạnh, nhất là chi phí tài chính do phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính cao hơn cùng kỳ.
Trong khi đó, doanh thu thuần của Dược phẩm OPC (Mã: OPC), Hoá - Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP) và Dược – Trang Thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar - Mã: DBD) đồng loạt đi xuống. Dù vậy, ba công ty này vẫn báo lãi sau thuế tăng trưởng do có thêm lợi nhuận từ công ty con, hoặc doanh thu tài chính tăng và tiết giảm được các chi phí hoạt động.
Riêng Dược phẩm Trung ương 2 (Mã: DP2) và Dược Lâm Đồng (Ladophar - Mã: LDP) tiếp tục lỗ so với quý III/2021. Trong đó, Ladophar lỗ sau thuế hơn 8 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 5 tỷ. Doanh nghiệp giải trình, bên cạnh thị trường dược phẩm cạnh tranh khốc liệt, các chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán không được tăng tương ứng vì có sự quản lý của Cục quản lý dược khiến công ty thua lỗ. Tính đến cuối quý III, Ladophar lỗ lũy kế hơn 27 tỷ đồng.
Cuối năm ngoái, Ladophar chính thức về tay nhóm Louis Holdings. Công ty này đặt mục tiêu kinh doanh cao kỷ lục cho năm 2022. Đến tháng 4/2022, sau vụ việc ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, cùng lúc tình hình kinh doanh của Ladophar bắt đầu thua lỗ.
Tháng 8, Ladophar đã xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu giảm từ 600 tỷ đồng xuống 227 tỷ đồng, giảm mục tiêu lãi trước thuế 21,2 tỷ đồng thành lỗ 23 tỷ. Như vậy sau 9 tháng, Ladophar mới thực hiện được 61% chỉ tiêu doanh thu năm.
Điểm sáng trong bức tranh ngành dược phẩm trong quý III là biên lợi nhuận gộp của hầu hết các doanh nghiệp được thống kê đều cải thiện so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp của Traphaco cao nhất trong nhóm và là mức cao kỷ lục của doanh nghiệp (56,5%). Số ít như Vimedimex và Dược Phẩm Trung Ương 2 ghi nhận biên lãi gộp đi lùi so với cùng kỳ, lần lượt xuống còn 7,2% và 2,8%.
Nhận định về triển vọng ngành dược phẩm đến cuối năm 2022, SSI Research cho rằng nhu cầu thuốc vẫn sẽ tiếp tục tăng đến cuối năm khi doanh thu ở kênh bệnh viện phục hồi mạnh, đặc biệt ở khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, cuộc đua mở rộng chuỗi nhà thuốc bán lẻ sẽ kích thích doanh thu ngành dược tăng cao trong vài năm tới, do các cửa hàng mới sẽ đẩy mạnh tích trữ tồn kho thuốc.
Tuy nhiên cần lưu ý là các nhà thuốc dạng chuỗi này kinh doanh phần lớn thực phẩm chức năng và thuốc nhập khẩu. Do đó mức tăng trưởng đột biến về số lượng cửa hàng mới không đồng nghĩa với mức tăng tương đương với doanh thu các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước.
Rủi ro tiếp theo là thuốc nhập khẩu vẫn tiếp tục là mối lo ngại đối với các doanh nghiệp trong nước. Số liệu cho thấy tăng trưởng thuốc nhập khẩu năm 2021 và 2022 đã cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân 13% trong giai đoạn 2015 - 2020. Điều này có thể do việc thắt chặt phê duyệt thuốc dẫn đến hoạt động sản xuất trong nước giảm sút và nhu cầu nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19 trong giai đoạn vừa qua tăng lên.