|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Được sếp đánh giá cao làm gì trong khi thưởng Tết không nhiều'

16:10 | 16/01/2020
Chia sẻ
Với người lao động, ai cũng muốn được thưởng Tết thật nhiều. Nhưng việc được sếp đề bạt, đánh giá đúng khả năng còn quan trọng hơn cả việc nhận về số tiền lớn.

"Em yên tâm. Anh đánh giá em cao nhất trong dàn nhân viên. Lương thưởng Tết này có thể hơi ít vì tính theo số tháng em ký hợp đồng chính thức. Nhưng yên tâm, với sức lực của em, năm sau số tiền thưởng sẽ xứng đáng với những gì em có".

Sau khi nhận được lương thưởng Tết, đấy là câu động viên Thuỳ An (25 tuổi, TP.HCM) nghe được từ sếp mình.

An ký hợp đồng lao động với công ty được hai tháng. Vừa vào công ty, cô đã được sếp đánh giá cao về năng lực. Tuy nhiên, tiền thưởng trong năm 9X chỉ đạt mức 15 triệu đồng, con số không quá lớn so với các đồng nghiệp.

Theo lời cô nhân viên đối ngoại, số tiền thưởng trên khá chính xác với những gì mình bỏ ra vì cô mới vào công ty được 2 tháng. Điều khiến An cảm thấy được an ủi nhất là được sếp kỳ vọng, đánh giá cao.

Với nhiều người, số tiền thưởng trong năm cũng quan trọng đấy, nhưng đó không là gì so với việc bạn được sếp đánh giá thế nào. Bởi ngoài tiền thưởng, lượng công việc được cấp trên giao quyết định lớn đến tổng thu nhập trong năm của người đó.

'Được sếp đánh giá cao làm gì trong khi thưởng Tết không nhiều' - Ảnh 1.

Việc được công nhận, chia sẻ quan trọng hơn thưởng nhiều hay ít.

Thuởng thấp chưa chắc đã kém

Thông thường, tiền thưởng Tết ảnh hưởng bởi nhiều thứ như doanh số công ty, xếp hạng phòng ban, số tháng làm việc của nhân viên. Vì vậy, Thuỳ An luôn tự nhủ hài lòng với những gì mình có được.

Tuy nhiên, việc có nhiều đồng nghiệp hỏi Thuỳ An lương thưởng bao nhiêu, có hài lòng không... khiến cô bực mình.

Cô bạn 24 tuổi tốt nghiệp loại giỏi ĐH Ngoại thuơng chuyên ngành Kinh tế đối ngoại. Cô cũng hai năm kinh nghiệm làm việc tại một công ty nước ngoài.

Ngoài ra, với vốn kiến thức chuyên ngành lẫn những gì thể hiện trong hai tháng qua, ngay từ lúc bước chân vào công ty, cô đã trở thành đối tượng bị nhiều người bàn tán.

Tuy nhiên, việc cô nhận thưởng thấp hay bị người khác bàn tán cũng không quá quan trọng. An cho rằng điều mình quan tâm nhất bây giờ là mình thể hiện ra sao, cấp trên đánh giá như thế nào.

Chuyên viên đối ngoại 24 tuổi cũng tự tin một điều, so với dàn nhân viên trong công ty, cô nổi trội hơn về nhiều mặt. Khi nhận được bảng đánh xếp loại cuối năm, An cũng nằm trong top nhân viên có thành tích cao.

Vì vậy, cô luôn cho rằng thưởng thấp chưa chắc đã kém. Cô tin rằng sự nỗ lực, quá trình và thành tích trong năm mới là điều đáng lưu tâm.

'Được sếp đánh giá cao làm gì trong khi thưởng Tết không nhiều' - Ảnh 2.

Tiền thưởng cuối năm của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều thứ.

Thưởng cao nhưng luôn có xích mích với sếp

Vừa nhận được tiền thưởng cuối năm, Trung Hiếu (25 tuổi, nhân viên sale bất động sản) đã hẹn đứa bạn chí cốt ra làm vài chén để "rửa tiền".

Sau một năm cống hiến, cuối năm Hiếu được thưởng 70 triệu đồng.

Con số trên khiến anh bạn nhậu là giáo viên "há hốc mồm". Anh không hiểu vì sao được thưởng cao như vậy mà bạn mình vẫn chán nản, tỏ vẻ không quan tâm công việc và bực mình với sếp.

"Tiền thưởng cao đã là gì? Có bao giờ ông hài lòng khi lúc nào cũng bị sếp đánh giá thái độ, chê lên chê xuống hết lần này đến lần khác không?", Trung Hiếu đáp lời.

Chia sẻ với Zing.vn, anh cho biết nghề sale bất động sản như làm dâu trăm họ. Anh vừa phải "khô cổ họng" để nói chuyện với khách hàng, nếu không được việc lại phải chịu đủ lời chì chiết từ cấp trên.

Hiếu cũng thừa nhận một điều, làm nghề này anh thua thiệt hơn so với đồng nghiệp nữ. Nhưng anh không lấy đấy làm lý do, luôn cố gắng chạy KPI để hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất.

Điều chàng trai này không hài lòng là mối quan hệ giữa anh và cấp trên trực tiếp luôn trong tình trạng "căng như dây đàn".

Vì vậy, tiền thưởng cao chắc chắn làm anh vui đấy, nhưng việc hài hoà với sếp, có được lòng tin và sự tin tưởng của cấp trên mới là điều then chốt.

Sự công nhận rất quan trọng

Xét dưới góc độ khoa học, việc được đánh giá cao tạo cho con người hứng thú làm việc.

Tiến sĩ, nhà tâm thần học Alex Korb giải thích rằng cảm giác được đánh giá cao giúp cho vùng dưới đồi của não bộ - nơi điều khiển các chức năng cơ bản như ăn, ngủ, trao đổi chất, hạn chế mức độ căng thẳng - hoạt động tốt hơn.

Khi con người được đánh giá đúng mức, não tự động tiết ra "hormone hạnh phúc" dopamine.

"Việc gia tăng dopamine khiến bạn tập trung hơn vào những điều đang làm. Não bộ cũng nhận tín hiệu và giúp bạn phát huy hiệu quả công việc", bác sĩ Korb khẳng định.

Một cuộc điều tra với 3.500 nhân viên ở những công ty khác nhau được tiến hành bởi nhà xã hội học David Sturt đăng trên Harvard Business Review cũng cho một đưa ra một vài "con số biết nói".

Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tương quan mạnh mẽ giữa việc được công nhận và sự hài lòng với công việc.

Theo đó, tại công ty nơi nhân viên được cấp trên công nhận, động viên, 87% người cho rằng họ đang được xem trọng và hài lòng với công việc.

Ngược lại, có đến 51% người ở các công ty nơi họ ít được công nhận cho rằng họ chán nản, không hài lòng với những gì nhận được.

Và với những người được đánh giá, tổng kết KPI nhiều hơn 1 lần/tháng, 82% người trong số họ nói có sự liên kết mạnh mẽ với cấp trên. Khi tần suất ít hơn, chỉ có 63% người tham gia nghiên cứu thấy được điều đó.

'Được sếp đánh giá cao làm gì trong khi thưởng Tết không nhiều' - Ảnh 3.

Việc được cấp trên công nhận khiến nhiều người cảm thấy hạnh phúc hơn với công việc.

"Lương thưởng nên đi đôi với sự công nhận"

"Là một người sếp tốt, mình nghĩ các bạn nên dành thời gian xem xét, đánh giá đúng với công sức những gì nhân viên bỏ ra. Ai cũng vậy, họ cần được công nhận những gì đã làm hơn là số tiền thưởng trong năm", Hoàng Long (34 tuổi, trưởng phòng truyền thông của công ty marketing) nói với Zing.vn.

Hoàng Long cho biết mỗi kỳ đánh giá, chốt KPI cuối năm, anh đều gặp riêng nhân viên để review những ưu khuyết điểm của từng người.

"Phạt đúng tội, thưởng đúng công" là slogan anh áp dụng trong nhiều năm làm quản lý.

Hoàng Long cũng đặt ra cho mình nguyên tắc không dùng lời nhục mạ cấp dưới chỗ đông người. Anh cũng không cho phép mình nói xấu, kể những điểm yếu của nhân viên cho nhân viên khác nghe.

"Làm quản lý đã khó, làm leader tốt lại càng khó khăn hơn", 8X nói.

Sau khi nhân viên nhận được lương thưởng, trưởng phòng truyền thông cũng dành thời gian tâm sự, động viên cấp dưới cùng cố gắng.

Vì vậy, anh luôn đối đãi với nhân viên không chỉ là đồng nghiệp mà còn là bạn bè.

"Công nhận công sức của người khác là cách để nhân viên gắn bó với bạn lâu dài. Có những người lương thưởng tốt đấy những chẳng bao giờ nhận được thiện cảm từ quản lý. Ngược lại, được sếp đánh giá cao làm gì trong khi thưởng Tết không nhiều. Tiền thì ai cũng thích, nhưng nếu nó được đánh giá đúng thì mọi chuyện tốt hơn nhiều", Hoàng Long khẳng định.

Hoài Vỹ