Được gì sau 30 năm thu hút FDI: Bước chân của những 'người khổng lồ'
Sau 30 năm thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), chúng ta đã được gì?
Trước hết, đó là con số hơn 310 tỷ USD được các nhà đầu tư rót vào Việt Nam. Nguồn vốn này đã góp phần to lớn làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam cũng như vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng ở mặt còn lại của “tấm huy chương”, những hệ lụy mà khu vực FDI để lại cũng đã gây ra những tổn thương cho kinh tế xã hội.
Dù có lúc thăng lúc trầm, song phải khẳng định rằng, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thể hiện vai trò tích cực trong thành tựu tăng trưởng, phát triển của Việt Nam suốt 30 năm qua và ngày càng khẳng định những ảnh hưởng tích cực, nhiều mặt đến sự phát triển của Việt Nam.
Chỉ trong vòng 10 năm, từ 2007-2017, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tới gần 276 tỷ USD vào Việt Nam, cao gấp nhiều lần con số của 20 năm trước đó. Cùng với sự xuất hiện của các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn đến từ nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển, nguồn vốn FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam.
Những tên tuổi lớn đều chọn Việt Nam
Tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, chi phí lao động thấp, tốc độ mở cửa thương mại cao và lợi thế về vị trí địa lý, đó là những điều kiện quan trọng thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam đang ngày càng tăng lên.
Trong suốt chiều dài 30 năm thu hút FDI, Việt Nam đã chứng minh là “điểm sáng” thu hút FDI trên toàn cầu khi lần lượt chứng kiến sự hiện diện của những nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như Honda, Intel, Samsung, Yamaha, Panasonic, Microsoft, LG... Không những đặt chân tới Việt Nam, việc các tập đoàn này liên tục rót vốn vào những dự án tỷ “đô” với mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành những cứ điểm sản xuất mới, cho thấy Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2006, với việc công bố đầu tư dự án trị giá 1 tỷ USD (tại TP.HCM), Tập đoàn Intel (Mỹ) đã giúp Việt Nam ghi tên vào bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu. Đây cũng là sự kiện có tính chất mở đường, tạo nguồn cảm hứng góp phần giúp Việt Nam thu hút các dự án lớn, các dự công nghệ cao khác. Sau Intel, năm 2008, Tập đoàn Samsung bắt đầu đầu tư vào Việt Nam với dự án nhà máy lắp ráp điện thoại tại Bắc Ninh có tổng vốn 700 triệu USD. Đến nay Samsung đã đầu tư các dự án sản xuất tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 17 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn này. Cũng là một tên tuổi lớn đến từ Hàn Quốc, với 3 dự án đang triển khai tại Việt Nam, Tập đoàn LG đã đầu tư vào Việt Nam tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, trong 20 năm có mặt ở Việt Nam, tổng số vốn đầu tư của Honda vào Việt Nam đạt khoảng 530 triệu USD, tính đến hết năm 2015 Honda đóng góp hơn 40.000 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách và tạo việc làm cho khoảng 10.000 nhân viên. Năm 2008, thời điểm FDI vào Việt Nam cao nhất từ trước đến nay với 71 tỷ USD, Tập đoàn Formosa (Đài Loan) cũng đã đầu tư gần 10 tỷ USD cho dự án sản xuất thép tại Việt Nam…
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự có mặt và bước chân của những “người khổng lồ” đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp phụ trợ, tạo công ăn việc làm, góp phần tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, thay đổi vị thế của Việt Nam ở thị trường XK.
Nếu lấy mốc Việt Nam gia nhập WTO (tháng 1/2007) để đánh dấu các giai đoạn trong quá trình thu hút FDI thì có thể thấy, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. 20 năm đầu thu hút FDI (1987-2006) bao gồm thời kỳ khởi động (1988-1990), sau đó là làn sóng FDI lần thứ nhất (1991-1997) và tiếp theo là thời kỳ suy thoái của FDI (1998-2004). Trong 20 năm đó, Việt Nam đã bước đầu thu hút được một lượng đáng kể nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu xét về số lượng thì hậu WTO mới là cái kết có hậu của FDI, bởi từ đó đến nay, đã có tới 276/310 tỷ USD vốn FDI được đầu tư vào Việt Nam, gấp 8 lần kết quả của 20 năm đầu.
Đánh giá về vai trò của khu vực FDI đối với nền kinh tế, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, việc Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư trong những năm qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ hiện tại, đã tác động rất tích cực đến khu vực FDI và được cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Khu vực DN FDI đã và đang có những đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những đóng góp đó thể hiện qua những con số rất cụ thể, đó là trong những năm gần đây, tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm khoảng 25%, đóng góp trên 20% vào GDP. Đây cũng là khu vực nộp ngân sách chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách, chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam với tỷ lệ khoảng 70%. Bên cạnh những đóng góp có thể lượng hóa được nêu trên thì khu vực FDI còn có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách DNNN, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Tạo ra những thay đổi lớn lao
"Tính đến hết tháng 9/2017, đã có 124 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 24 nghìn dự án với tổng số hơn 310 tỷ USD đã được các nhà đầu tư cam kết đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu với 55,8 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản với gần 46 tỷ USD, Singapore hơn 41 tỷ USD, cùng với đó Việt Nam còn đón nhận nguồn vốn đầu tư từ các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Sỹ, Nga, Đức… Các dự án tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo (gần 60%), bất động sản (gần 17%), sản xuất điện (gần 6%)… Hiện nay có hơn 167 tỷ USD đã được giải ngân, chiếm hơn 53% vốn đăng ký." (Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
TS.Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, với nguồn vốn to lớn, với chất lượng cao về công nghệ và kinh nghiệm quản lý, vốn FDI đã tạo ra sự thay đổi lớn lao trong các lĩnh vực của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam theo hướng hiện đại, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đánh giá về vai trò của nguồn vốn FDI đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhấn mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đang là động lực quan trọng để Việt Nam đạt được các kết quả đáng ghi nhận về thương mại và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Cũng theo WB, trong vòng 10 năm từ 2005-2015, đóng góp cho ngân sách của các DN FDI tăng gấp đôi từ mức 7,4% năm 2005 lên 14,1% năm 2015. Kim ngạch XK của khu vực FDI cũng chiếm tới 70% tổng kim ngạch XK của cả nước. Cơ cấu XK của Việt Nam đã được chuyển đổi và trở nên đa dạng hơn, từ các mặt hàng thương phẩm thô và nông sản, giỏ hàng hóa XK của Việt Nam đã có sự thay đổi lớn khi đã xuất hiện điện thoại thông minh, máy tính và các bộ vi xử lý, máy ảnh, đồ điện tử và gần đây là phương tiện giao thông… Hiện nay có những lĩnh vực mà khu vực FDI chiếm ưu thế trong XK như sản phẩm chế biến chế tạo, trong đó, có những mặt hàng mà khu vực FDI chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng kim ngạch như điện thoại và linh kiện là 100%, điện tử, máy tính là 97%, phưong tiện vận tải và phụ tùng là 93%, máy móc và thiết bị là 91%...
Trao đổi về tác động của vốn FDI đối với Việt Nam, GS. Nguyễn Mại từng cho rằng, ưu điểm lớn của khu vực FDI sau 30 năm vào Việt Nam là đào tạo ra một đội ngũ lao động có kỹ năng tốt, tay nghề cao. Rất nhiều lao động của Việt Nam đã từng làm việc tại các DN FDI, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm đã đứng ra thành lập DN riêng và trở thành đối tác lớn của DN FDI. Trường hợp của Công ty TNHH Cơ khí chính xác, dịch vụ và Thương mại Việt Nam (VPMS) là ví dụ điển hình. Sau hơn 10 năm làm việc cho các DN FDI của Nhật Bản, anh Nguyễn Xuân Huy, Trưởng phòng kinh doanh VPMS đã quyết định kết hợp với những người bạn thành lập Công ty VPMS. Sau 10 năm ra đời, hiện VPMS là một trong những DN công nghiệp hỗ trợ hàng đầu của Việt Nam, có thể sản xuất được cả những linh kiện đòi hỏi độ chuẩn xác cao, là đối tác của những tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Panasonic, Samsung...
Biểu đồ tỷ lệ thu hút FDI theo quốc gia, vùng lãnh thổ và theo lĩnh vực đầu tư. Biểu đồ: H.Anh. |
Theo các chuyên gia, là một nước đang phát triển, Việt Nam không phải là người khổng lồ nhưng phải biết học cách đi trên đôi chân của những người khổng lồ để sớm có những buớc tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Và nếu biết tận dụng, phát huy những lợi thế của khu vực FDI, rõ ràng con đường đó sẽ được rút ngắn lại và sẽ ít phải trả giá cho những sai lầm.
Tạo việc làm cũng là một trong những đóng góp quan trọng của khu vực DN FDI. Hiện nay số lao động làm việc tại khu vực FDI chiếm khoảng 30% tổng số lao động tại các DN nói chung. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2010, số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI là 2,1 triệu người thì đến năm 2016, số lượng lao động làm việc trong loại hình DN này đã lên tới hơn 3,7 triệu người. Đây là con số có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh mỗi năm nước ta có tới hơn 1 triệu lao động được bổ sung. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các DN FDI, nhiều lao động đã trở thành cán bộ quản lý giỏi, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, từng bước tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiến tiến, tác phong làm việc công nghiệp hiện đại, có kỷ luật lao động. |