|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đừng ôm hôn nhau trong thời dịch bệnh

15:43 | 27/02/2020
Chia sẻ
Theo một số chuyên gia y tế, việc hạn chế các hành động thân mật như ôm hôn nhau có thể giúp ngăn chặn sự lan truyền dịch Covid-19. Tại Italy - ổ dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ tư thế giới, nhiều người đã bắt đầu làm theo lời khuyên này.
Hãy giữ khoảng cách: Các nhà khoa học kêu gọi hạn chế ôm hôn nhau để ngăn lây nhiễm Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh: Alamy Live News

Vào thế kỉ thứ 15, nước Anh có phong tục các kị sĩ hôn vào miệng nhà vua. Năm 1439 dưới thời vua Henry VI nước Anh xảy ra một đợt dịch bệnh nguy hiểm, được cho là lây lan qua đường nước bọt. 

Để tự bảo vệ mình cũng như ngăn dịch bệnh lây lan trong dân chúng, vua Henry VI đã ra lệnh cấm hôn nhau trên cả nước. Quyết định này của nhà vua có lẽ đã làm cho hành động chạm nhẹ má vào nhau khi gặp gỡ thêm phổ biến ở châu Âu cho tới nay.

Tuy nhiên các nhà khoa học ngày nay cho rằng ngay cả cái thơm nhẹ này cũng tiềm tàng nguy cơ làm virus corona (covid-19) lây lan.

Theo tờ Bloomberg, trong bối cảnh toàn thế giới phải đối phó với dịch Covid-19 như hiện nay, một số quan chức y tế đã kêu gọi mọi người hạn chế các hành động tiếp xúc nhằm thể hiện tình cảm thân mật.

Các nhà dịch tễ học cho rằng hạn chế tiếp xúc có thể giúp làm giảm tốc độ lây nhiễm Covid-19. Họ nói rằng người Mỹ nên cân nhắc kĩ trước khi ôm hoặc vỗ tay chào hỏi nhau; còn người Pháp và người Italy nên suy nghĩ lại về truyền thống thơm vào má.

Ông Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota nói rằng: "Nếu cộng đồng bạn sống đã có người nhiễm Covid-19, thì bạn nên cẩn thận và hạn chế những tiếp xúc kiểu này. Đây là một trong số ít những gì bạn có thể chủ động thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh".

Tại Italy, số trường hợp nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh và đã có 12 người chết. Trước tình hình này, nhiều người đã bắt đầu làm theo lời khuyên trên.

Nhà kinh tế học Giorgia Nigri sống ở Rome cho biết ngày càng có nhiều người ngại hôn má nhau.

"Nhiều người bắt đầu đề nghị nhau không nên hôn má thay cho lời chào hỏi nữa. Ban đầu điều này khiến tôi hơi bất ngờ và buồn. Nhưng tôi nghĩ với những nhóm đông người, đặc biệt là khi có người lạ, thì việc này là đúng đắn".

Phản ứng của châu Âu

Tại những quốc gia khác ở châu Âu, những khuyến cáo trên đã khiến nhiều người ngạc nhiên hoặc chế giễu.

Trong dịp Valentine, nhiều tờ báo bao gồm Daily Mail và The Sun đã mỉa mai lời khuyên của nhà virus học John Oxford rằng người Anh nên tiếp tục "lạnh lùng" thay vì chào hỏi nhau bằng những cái ôm thân mật.

Tại Italy, nhiều nhà thờ đã đặt bánh thánh lên tay các con chiên, thay vì để vào miệng như trước đây. Thậm chí một số nơi còn hủy bỏ mọi nghi thức.

Các quan chức y tế công cộng ở Singapore, Ấn Độ, Nga, và Iran đã lên tiếng kêu gọi công chúng hạn chế ôm hôn và bắt tay nhau.

Giáo sư Oxford tại Đại học Queen Mary ở London nói trong một cuộc phỏng vấn: "Chúng ta không cần thay đổi thói quen này vĩnh viễn. Tôi chỉ khuyên mọi người hạn chế chúng cho đến khi vượt qua khủng hoảng này".

Những lời khuyên này có vẻ dễ được tuân theo ở các nước như Nhật Bản, nơi mà mọi người thường chào nhau bằng cách cúi đầu và tránh đụng chạm với đồng nghiệp và đối tác kinh doanh.

Đầu tháng 2, trong một buổi gặp mặt hiếm hoi với công chúng tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọc cười đám đông bằng câu nói không nên bắt tay tại thời điểm này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không quyết liệt đến mức khuyên mọi người ngừng hoàn toàn việc ôn hôn nhau. Nhưng những hướng dẫn của họ ngầm nói lên rằng ý tưởng này có lẽ là đúng đắn.

Hãy cách nhau một mét

WHO khuyến khích mọi người ngừng việc ôm hôn thân mật với những người có biểu hiện bị bệnh, và giữ khoảng cách với nhau ít nhất một mét.

Ông Bruce Aylward, người đứng đầu một phái đoàn tìm hiểu thực tế được WHO cử đến Vũ Hán, ca ngợi việc giữ khoảng cách với nhau và các biện pháp tự bảo vệ của người Trung Quốc đã giúp làm chậm lại sự lây lan của Covid-19.

Nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet đứng đầu bộ phận Y tế Toàn cầu của Viện Pasteur cũng khuyến khích "các biện pháp thông thường" như che miệng khi ho, dùng giấy ăn một lần và thường xuyên rửa tay.

Một số nhà khoa học lo ngại rằng Covid-19 có thể lan truyền qua các hạt nhỏ thải ra từ đường hô hấp, xuyên qua khẩu trang y tế thông thường.

Khác với SARS hay MERS, không phải ai nhiễm covid-19 cũng có các triệu chứng rõ rệt, khiến cho thời gian ủ bệnh kéo dài khá lâu.

Giáo sư Oxford nói: "Cuộc chiến này cần có sự tham gia của tất cả mọi người, không phải chỉ cần đến các nhân viên y tế và nhà khoa học. Chỉ một người nhiễm bệnh sẽ khiến nhiều người gặp rắc rối".

Giang