|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dùng ngân sách \"giải cứu\" dứt điểm nợ xấu?

09:48 | 05/10/2016
Chia sẻ
Thủ tướng giục Ngân hàng nhà nước nhanh chóng trình đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lí nợ xấu, đồng thời không loại trừ khả năng sử dụng các nguồn lực ngân sách hỗ trợ việc này.
dung ngan sach giai cuu dut diem no xau
Việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC đang gặp nhiều khó khăn và bị đánh giá là chưa có giải pháp căn cơ

Phát biểu tại kỳ họp Chính phủ hôm mùng 3 và 4/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thúc giục Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm đề xuất phương án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, xử lý dứt điểm nợ xấu.

“Đối với nợ xấu thì nhiều chuyên gia báo cáo rằng, nếu không dùng tiền tươi thóc thật, không dùng ngân sách thì không giải quyết được cơ bản vấn đề nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước nên sớm đề xuất vấn đề này”, Thủ tướng nói.

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ nhắc đến thông điệp này, nhưng trước đó, Bộ KH&ĐT đã có dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó không loại trừ khả năng sử dụng ngân sách để xử lý dứt điểm nợ xấu.

Trả lời câu hổi của báo giới về việc dùng ngân sách “giải cứu” nợ xấu tại cuộc Họp báo chiều qua 4/10, Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: “Trên cơ sở đánh giá, tổng kết tình hình xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng các nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu của nền kinh tế thời gian tới sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm đúng quy định pháp luật, an toàn nợ công, công khai, minh bạch, hiệu quả”.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, ở nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả thì cần phải có nguồn lực về tài chính, có nước phải chi rất nhiều tiền, có thể lên tới 10-15% GDP.

Đối với Việt Nam, trong thời gian qua việc xử lý nợ xấu được thực hiện thông qua trích lập dự phòng, ngân hàng tự thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thành vốn góp vào con nợ và bán nợ xấu cho VAMC. Trong đó, việc bán nợ xấu cho VAMC thực chất là việc vay tái cấp vốn của NHNN dựa trên trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Thực tế từ quá trình xử lí nợ xấu trong giai đoạn 2011-2015 cho thấy nhiều bất cập trong quy trình xử lí, như việc giá bán nợ xấu đang căn cứ theo giá trị sổ sách, nợ xấu chưa được “mua đứt bán đoạn”, việc phối hợp xử lí tài sản giữa VAMC và các ngân hàng chưa thống nhất.

Thực tế, theo số liệu của VAMC, tính từ năm 2013 đến giữa năm nay, công ty này đã mua vào 247.448 tỉ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng nhưng chỉ xử lí được hơn 31.000 tỉ, chiếm khoản 15%. Số còn lại vẫn “nằm kho”.

Còn theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, việc xử lý nợ xấu chủ yếu do các tổ chức tín dụng thực hiện: trong số 59.700 tỷ đồng nợ xấu được xử lý, có quá nửa là do khác hàng trả nợ, con số nợ xấu bán cho VAMC chỉ đạt 8.880 tỉ đồng.

Việc xử lí nợ xấu gặp bế tắc như trên khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần sự can thiệp của ngân sách để xử lý dứt điểm nợ xấu, kích cầu và đẩy mạnh sản xuất, qua đó giúp các doanh nghiệp hồi phục.

Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc gây ra nợ xấu ở mức cao trong thời gian vừa qua đơn thuần đến từ khả năng quản lí nợ, bộc lộ lỗ hổng trong toàn hệ thống ngân hàng.

Do vậy, dùng ngân sách để xử lí nợ cho sai lầm của hệ thống là không hợp lí, nhất là trong bối cảnh ngân sách đang bội chi.

Nam Đức