Đừng để gạo Việt bị cấm cửa vào Mỹ
Theo cảnh báo của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016 đã có 95 container (khoảng trên 1.700 tấn) gạo của VN bị trả về do có các chỉ số dư lượng chất bảo vệ thực vật, chủ yếu là gạo thơm, gạo tấm giống jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao. FDA đưa ra kết luận, 8 hoạt chất có trong gạo VN vượt mức giới hạn cho phép của Bộ Nông nghiệp Mỹ, mặc dù cả 8 hoạt chất trên đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở VN.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), cho biết vụ trả hàng trên thực sự làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ gạo VN sẽ mất uy tín, thậm chí bị cấm xuất khẩu vào Mỹ. Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã có cảnh báo đến các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu gạo phải lưu ý đến các lô hàng gạo xuất sang Mỹ và những thị trường khó tính khác.
Theo ông Bảnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến gạo VN bị Mỹ trả về là tình trạng trộn lẫn trong quá trình thu mua lúa nguyên liệu. “Hiện nhiều DN chế biến xuất khẩu gạo VN khi sản xuất ở vùng nguyên liệu thì rất tốt, nhưng đến khi nguyên liệu không đủ, họ lại phải qua kênh thương lái gom thêm. DN không kiểm soát được đầu vào, nguồn hàng không rõ nguồn gốc. Ví dụ, trong 1.000 tấn lúa mà có 990 tấn tốt, còn lại 10 tấn không đảm bảo thì rủi ro vẫn cao và có nguy cơ bị trả về”, ông Bảnh nói.
Gắn kết nông dân với Doanh nghiệp
Phân tích về sự việc trên, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng không chỉ lúa gạo mà nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của VN vẫn sản xuất, tiêu thụ theo kiểu không rõ xuất xứ. Gạo đổ trong bao nhưng không biết giống nào, từ vùng nào, do nông dân ở đâu trồng.
“Sở dĩ thực trạng “trộn lẫn” vẫn tồn tại là vì các DN xây dựng vùng nguyên liệu còn hạn chế. Ngay nhiều DN xuất khẩu gạo lớn của cả nước cũng không chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, chủ yếu mua qua thương lái, trộn lại với nhau, không phân biệt giống nào ra giống nào. Trong khi đó, nông dân thường phụ thuộc vào đại lý phân phối vật tư nông nghiệp vì làm ăn nợ gối đầu, nên đại lý đưa họ loại thuốc gì thì họ sử dụng thuốc đó, không biết là độc hại thế nào, xuất xứ từ đâu. Chỉ đến khi DN chế biến xuất khẩu bị “tuýt còi” mới vỡ lẽ ra”, ông Xuân phân tích.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyện gạo chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đừng đổ lỗi cho nông dân, mà Bộ NN-PTNT cần phải quyết liệt hơn trong tổ chức lại sản xuất lúa gạo. “Phải gắn kết được nông dân với DN. DN sẽ chịu trách nhiệm tổ chức, còn nông dân sẽ là người sản xuất theo nhu cầu thị trường, theo những tiêu chí chặt chẽ của nhà nước và DN đặt ra. Hãy nhìn Thái Lan, Campuchia mà học hỏi. Chúng ta đang thua xa họ về chất lượng gạo. Phải chấp nhận giảm diện tích, năng suất để tập trung vào chất lượng gạo, không có cách nào khác”, GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất.