Đức 'bật đèn xanh' cho quỹ phục hồi 750 tỷ euro của EU
Sau khi Hạ viện Đức thông qua quỹ phục hồi này vào ngày 25/3, Thượng viện đã có quyết định tương tự trong ngày 26/3.
Quỹ phục hồi khổng lồ này là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 với tổng trị giá hơn 1.800 tỷ euro (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra. Gói ngân sách này đã được 27 nước thành viên EU nhất trí hồi tháng 12/2020.
Gói tài chính trên bao gồm ngân sách dài hạn cho giai đoạn từ năm 2021 - 2027 trị giá 1.100 tỷ euro và một gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro.
Ngoài việc hỗ trợ các nước phục hồi từ hậu quả của đại dịch COVID-19, gói ngân sách trên sẽ giúp các quốc gia thành viên EU thực hiện chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn, cụ thể là Thỏa thuận Xanh, cách mạng số và phát triển bền vững.
Động thái cung cấp các khoản tài trợ không hoàn lại cho các nước EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, chẳng hạn như Italy (I-ta-li-a), đã lu mờ định kiến lâu nay về việc Đức là một quốc gia tiết kiệm, kiên quyết phản đối việc gánh nợ của nước khác.
Khi phải đối mặt với đại dịch COVID-19, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã vượt qua một số ranh giới để có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ.
Đức đã đình chỉ một điều khoản trong Hiến pháp ngăn Chính phủ nhận khoản nợ mới cho năm 2020 và 2021. Ngoài ra, Berlin cũng đang tìm cách ngưng quy định không cho vay mới trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2022, khi nước này dự định vay khoản tiền kỷ lục 240,2 tỷ euro vào năm 2021.