|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Đưa hàng Việt lên Amazon không khó, làm sao để bán chạy mới khó'

16:03 | 28/09/2018
Chia sẻ
Ông Trịnh Hoàng Linh, Admind Group Amazon Vietnam cho rằng, chúng ta phải luôn xem những mặt hàng mình mang bán trên Amazon như những đứa con tinh thần, cho dù nó không đẹp đúng theo ý anh, anh cũng phải chăm bẵm để gả chồng cho nó càng sớm càng tốt.
dua hang viet len amazon khong kho lam sao de ban chay moi kho Cơ hội đưa hàng Việt lên Amazon

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), bán hàng xuyên biên giới trên môi trường internet đến trực tiếp tận tay người dùng cuối cùng đang ngày trở nên quan trọng và chiếm thị phần không nhỏ trong tổng giao dịch thương mại điện tử toàn cầu.

55% người Mỹ thường xuyên tìm kiếm sản phẩm mà mình cần trên Amazon.

Báo cáo năm 2017 của DHL cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử xuyên biên giới trên toàn cầu sẽ giữ vững ở mức 25% trong suốt 3 năm tới, gấp đôi so với thương mại nội địa.

Theo đó, tổng giá trị các giao dịch sẽ tăng từ 300 tỷ USD năm 2015 lên ngưỡng 900 tỷ USD, chiếm đến 22% tổng giá trị thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2020.

Tuy nhiên, có vẻ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang khá chậm chạp trong việc chuyển mình theo xu hướng chung của thế giới.

dua hang viet len amazon khong kho lam sao de ban chay moi kho
Các diễn giả trao đổi trong sự kiện Bán hàng toàn cầu với Amazon ngày 27/9 tại TP.HCM

Trong phiên thảo luận "Cơ hội và thách thức trong xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt" tại sự kiện Bán hàng toàn cầu với Amazon ngày 27/9, đại diện đến từ Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) tiết lộ, các thành viên trong hội, chưa ai chốt được bất cứ thương vụ xuất khẩu nào qua online.

Giải thích cho điều khó tin trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 trên, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký HAWA cho rằng, các doanh nghiệp trong hội dường như vẫn đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số, chưa mặn mà với việc áp dụng công nghệ thông tin vào công việc kinh doanh, sale và marketing.

Ngay cả bản thân ông Phương vẫn còn đang trong quá trình học tập mày mò sử dụng các công cụ online và ông cũng chưa có bất cứ kinh nghiệm thực tế nào về bán hàng qua mạng.

Thực trạng đó quả thực rất nguy hiểm, ông Phương nhận định. Nếu xem giá trị gia tăng của các thành phần cấu thành nên chuyện kinh doanh có hình parapol thì sản xuất đứng ở đáy, tiếp theo là thương mại, thương hiệu và cuối cùng là nghiên cứu – phát triển R&D. Sản xuất quan trọng nhất nhưng mang lại giá trị thấp nhất.

Và dường như, các thành viên của HAWA vẫn đang đứng ở đáy parapol, họ chỉ lo làm hàng mà ít quan tâm đến việc mở rộng kênh bán hàng, làm thương hiệu hay sáng tạo kiểu mẫu mới phù hợp với thị hiếu thị trường, ông Phương nhìn nhận.

Năm 2017, xuất khẩu gỗ Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, sau Trung Quốc, Ba Lan, Ý… Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu các hội viên HAWA vẫn không quan tâm đến thương mại điện tử xuyên biên giới, quay lưng với thời cuộc, chúng ta có thể bị những hàng xóm xung quanh vượt qua.

dua hang viet len amazon khong kho lam sao de ban chay moi kho
Ông Nguyễn Kỳ Minh – Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT - chia sẻ kinh nghiệm trong sự kiện

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không phải doanh nghiệp/cá nhân nào lên mạng bán hàng xuyên biên giới đều có thể bán được hàng.

Ông Nguyễn Đoàn Thông, Giám đốc Đào tạo và marketing VCCI TP. HCM chỉ rõ 3 điểm yếu của doanh nghiệp khiến họ không thể thành công: thờ ơ với chuyện tìm hiểu pháp lý thị trường mà mình nhập khẩu vào nên không nắm rõ luật, không chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường, không tìm đúng công ty có dịch vụ thanh toán trực tuyến quốc tế tốt.

Theo đó, ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử – Cục Thương mại điện tử và kinh tế số hoàn toàn đồng ý với nhận xét của người đồng nghiệp, chỉ bổ sung thêm 2 ý.

Đầu tiên, người bán Việt Nam cũng sợ bị lừa đảo; thứ hai, logistic ở xứ người cũng là một vấn đề khó khăn, ví dụ như tự mình xử lý hàng bị trả lại như thế nào…

Ngoài ra, ông Minh còn đề nghị những người bán Việt Nam hãy nhanh chóng thay đổi cách markerting online để kịp xu thế, chuyển dần từ việc đầu tư vào từ ngữ làm SEO cho sản phẩm sang giọng nói và hình ảnh. Bởi, với nhiều công nghệ được các “ông lớn” về công nghệ và thương mại điện tử tích hợp trong các sản phẩm mà họ mang ra giới thiệu gần đây, tìm kiếm bằng ngôn ngữ và hình ảnh sẽ thống trị ở tương lai gần.

Dưới góc nhìn của những người thực chiến, ngoài chỉ ra các lực cản khi bán hàng qua các platform quốc tế, hai người bán kỳ cựu của cộng đồng Amazon tại Việt Nam còn đưa ra các giải pháp để vượt qua nó.

“Đưa sản phẩm lên Amazon không khó, làm sao để nó có thể lên top tìm kiếm và bán chạy mới khó. Chúng ta phải luôn xem những mặt hàng mình mang bán trên Amazon như những đứa con tinh thần, cho dù nó không đẹp đúng theo ý anh, anh cũng phải chăm bẵm để gả chồng cho nó càng sớm càng tốt.

Thêm nữa, đừng mong bán được hàng mỗi ngày, vì thực ra thị trường trên Amazon không lớn như chúng ta tưởng tượng, 1 sản phẩm bán ra thị trường Mỹ nhiều nhất cũng chỉ khoảng 100 cái/ngày, Nhật khoảng 20 đến 30 cái”, ông Trịnh Hoàng Linh – Admind Group Amazon Vietnam khẳng định.

Ông Linh cũng lưu ý các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), khi mang hàng lên Amazon, doanh nghiệp đừng nghĩ đến chuyện cạnh tranh với những người bán lẻ thiện chiến như mình, vì không thể địch lại. Các SMEs Việt hãy xem Amazon như một kênh tiếp thị tốt hơn là bán hàng, bởi chỉ cần 1 tháng, một thương hiệu có thể bao phủ toàn bộ thế giới.

Ngoài những điều trên, ông Trần Quý Hiển, Co-founder Amazon FBA Freedom còn chỉ ra một thực trạng xấu khác, khi nhiều người bán ở Việt Nam đang buộc phải đặt hàng từ Trung Quốc qua Taobao hoặc Alibaba khi có đơn hàng trên Amazon, do các nhà sản xuất trong nước không tiếp nhận đơn hàng lẻ vài chục cái. Ông Hiển mong muốn HAWA và các hiệp hội ngành nghề khác có thể bàn với các hội viên tìm phương cách giải quyết vấn đề đó, để người bán Việt có thể dùng hàng Việt xuất khẩu.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”, muốn xuất khẩu được qua kênh online, người bán Việt không nên đăng hàng lên các platform thương mại điện tử quốc tế rồi ngồi chờ thời, mà hãy chăm sóc chúng kỹ càng thông qua công việc marketing đúng xu hướng, rà soát phản hồi từ khách hàng song song với tìm hiểu luật pháp nơi nhập khẩu, tìm kiếm nhà cung cấp logistic và thanh toán phù hợp.

Xem thêm