Dự trữ ngoại hối tăng: Ứng phó được những biến động lớn
Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục từ trước tới nay. (Nguồn: TTXVN)
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến cho Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại hối này là do chính sách lãi suất 0% đối với USD mà cơ quan này áp dụng, điều này đã khiến cho nhu cầu găm giữ ngoại tệ giảm mạnh. Cùng với đó là cách thức điều hành tỷ giá trung tâm cũng được Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ đầu năm 2016, với cách thức mới này thị trường ngoại hối cũng đã ít biến động hơn trước khá nhiều.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank cũng cho rằng, năm 2016 là năm có nguồn dự trữ ngoại hối tăng trưởng tốt, một khối lượng lớn ngoại tệ bên ngoài đã được tăng cường vào nguồn dự trữ của Nhà nước, đây trước hết là kết quả tăng trưởng kinh tế của đất nước như thúc đấy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài cũng như có đóng góp của nguồn kiều hối quốc gia.
Cũng theo ông Thọ, đây cũng chính là kết quả của việc điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước rất kiên định trong điều hành lãi suất và tỷ giá cũng như kiểm soát tốt hơn tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
“Nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng lên, góp phần rất quan trọng trong việc cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, cải thiện mức độ xếp hạng của quốc gia trên thị trường quốc tế. Đây là nền tảng rất tốt để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, thu hút người dân đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng để trên cơ sở đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước,” ông Thọ nhấn mạnh.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, trong năm qua tỷ giá biến động giữa VND và USD chỉ từ 1,1-1,2%, tức là thấp hơn đáng kể biên độ dao động từ 3-5% của các năm trước, điều này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và giúp các doanh nghiệp yên tâm làm ăn.
Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, lượng dự trữ ngoại hối này có 3 tác động đối với nền kinh tế nước ta. Đầu tiên nó thể hiện được vị thế đối ngoại của Việt Nam, cũng như khả năng trả nợ và lượng dự trữ cần thiết để ứng phó với biến động rủi ro trên thương trường quốc tế. Thứ hai là giúp cho Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực để can thiệp vào chính sách tỷ giá ở những thời điểm cần thiết. Cuối cùng là niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào giá trị tiền đồng Việt Nam, góp phần ổn định lạm phát trong thời gian tới.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhờ cách thức điều hành tỷ giá mới nên tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm nên đã có nhiều người dân, doanh nghiệp bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng và những tổ chức tín dụng này lại bán lại cho Ngân hàng Nhà nước để tăng dự trữ ngoại hối và như vậy thị trường rất ổn định.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Cũng có ý kiến cho rằng, việc gia tăng dự trữ ngoại hối nhanh sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế, tuy nhiên ông Lực cho rằng chúng ta phải luôn luôn có một lượng dự trữ có thể là ngoại hối có thể hoặc là thứ khác mà hiện chúng ta mới chỉ ở mức tối thiểu nên không hề gây lãng phí.
Một chuyên gia phân tích thêm, nếu tính theo dự trữ ngoại hối trong khu vực thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới ở mức khiêm tốn, chỉ được khoảng 3 tháng tính theo tháng nhập khẩu. Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt được 18 tháng, Singapore là 6 tháng, Philippines là 10 tháng, Brunei là 8 tháng, Thái Lan là 7 tháng.
Do đó gia tăng lượng dự trữ ngoại hối hợp lý để chủ động hơn trước các tình huống rủi ro là điều có thể thấy trong tương lai, rộng hơn đây cũng là một cơ sở quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các nhà đầu tư quốc tế nhìn vào khi đánh giá về Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cũng có chuyên gia cho rằng, lượng dự trữ ngoại hối này cần phải tăng hơn nữa khoảng 7 tháng nhập khẩu như Thái Lan, không được thì cũng phải đạt khoảng 4-5 tháng.
Vị chuyên gia trên phân tích, nó có thể sẽ có tác động nhất định khi chúng ta tiếp tục dùng tiền VND để mua ngoại tệ. Tuy nhiên chúng ta phải phối hợp tốt với các chính sách khác như liên quan đến giá cả, đến tài khóa để kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cũng phải sử dụng nhiều công cụ, chính sách để can thiệp thị trường vừa đảm bảo thanh khoản, vừa đảm bảo lượng cung tiền không nhiều để lạm phát không tăng./.