Dự luật nguy hiểm có thể kéo giá xăng ở Mỹ tăng chóng mặt
Dự luật phi lý?
Sau hai thập kỷ nỗ lực thất bại, dự luật mang tên No Oil Producing and Exporting Cartels (NOPEC) đã được Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông qua vào ngày 5/5 với tỷ lệ 17 phiếu thuận và 4 phiếu chống.
Dự luật nguy hiểm, gây tranh cãi và được coi là phi logic này được một số nghị sĩ lưỡng đảng rất mực ủng hộ, nhưng Nhà Trắng dường như lại đang thận trọng cân nhắc những tác động tiềm tàng của NOPEC.
Dự luật trên phải được toàn thể Thượng viện và Hạ viện thông qua, sau đó được Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật. Khi đó, Mỹ về cơ bản có thể kiện OPEC (và bất kỳ nhà sản xuất dầu mỏ nước ngoài nào) về tội dàn xếp, thao túng giá dầu,…
Một tuần trước cuộc bỏ phiếu, ông Chuck Grassley - đảng viên Cộng hòa hàng đầu của Ủy ban Tư pháp Thượng viện và là nhà tài trợ cho dự luật, cho biết ông kỳ vọng lưỡng đảng sẽ hoàn toàn ủng hộ NOPEC do giá xăng trên khắp nước Mỹ đang tăng cao.
“Cầu khẩn các liên minh dầu mỏ giúp đỡ không phải là cách để đối phó với giá xăng dầu cao ngất ngưởng”, ông Grassley viết trên Twitter. “Chúng ta nên buộc họ phải chịu trách nhiệm cho hành vi thao túng/nâng khống giá dầu”.
Tuy nhiên, theo oilprice.com, có hai giả định cơ bản ở đây không phù hợp với thực tế.
Giả thiết đầu tiên là OPEC phải chịu trách nhiệm về thiệt hại mà người Mỹ phải chịu khi bơm xăng, vì các nước thành viên “thông đồng” về hạn ngạch sản xuất và thổi giá hàng tiêu dùng bằng việc kéo giá dầu diesel lên cao, dẫn đến cước vận chuyển trở nên đắt đỏ.
Trong khi “thủ phạm” rõ ràng là chiến sự giữa Nga và Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chính quyền Moscow, thì OPEC lại bị đổ lỗi vì từ chối tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu thô.
Giả định thứ hai là OPEC là “đơn vị” duy nhất có ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. Giả định này không còn mấy trọng lượng, đặc biệt là kể từ khoảng sau năm 2018, khi Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới theo một vài chỉ số nhất định.
Theo oilprice.com, việc Mỹ tận hưởng một thị trường tự do và không thể kiểm soát các nhà sản xuất dầu đá phiến cũng như yêu cầu họ tăng sản lượng khi cần không phải là lỗi của OPEC. Liên minh dầu mỏ cũng không phải chỉ có mỗi nhiệm vụ giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung khi các doanh nghiệp Mỹ từ chối làm điều đó.
Nhìn chung, OPEC (hay OPEC+ với sự hiện diện của Nga) không giống với tổ chức dầu mỏ trước đây và đây cũng không phải cùng thế giới hay thị trường đã tồn tại vào đầu những năm 2000, khi ý tưởng về dự luật NOPEC xuất hiện.
Ngày nay, có nhiều sự kiện có thể tác động đến thị trường, chẳng hạn như việc xả kho dự trữ chiến lược gần đây của chính phủ Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Nhà Trắng thận trọng
Sau khi Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông qua dự luật NOPEC, Nhà Trắng có vẻ rất thận trọng. Đề cập đến “những tác động tiềm ẩn và hậu quả không mong muốn”, Nhà Trắng cho biết họ sẽ “cần nghiên cứu và cân nhắc thêm”.
Theo oilprice.com, hậu quả mà NOPEC có thể gây ra cho các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có khả năng sẽ rất nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cực lực phản đối.
Các quan chức phản đối dự luật NOPEC có thể mừng thầm nếu Nhà Trắng hủy bỏ nó. Họ cho rằng đòn đáp trả từ các nhà sản xuất đối thủ có thể làm đảo lộn đáng kể hoạt động tự do trên thị trường dầu mỏ.
Các biện pháp trả đũa có thể đến dưới nhiều hình thức. Một cuộc tấn công vào hệ thống petrodollar của Mỹ có thể là một cách. Năm 2019, Arab Saudi từng đe dọa về việc sẽ bán dầu bằng một đồng tiền khác nếu NOPEC trở thành luật.
Theo nhận định của hãng tin Reuters, nếu Arab Saudi không giao dịch dầu mỏ bằng USD, vị thế của đồng bạc xanh và đòn bẩy thương mại của Mỹ trên toàn cầu đều sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Và thời điểm thì không thể tệ hơn, khi mà cuộc tấn công của Nga tại Ukraine và các đòn trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đang khuấy đảo mọi thứ. Các lệnh trừng phạt có thể bớt nguy hiểm hơn nếu đồng USD của Mỹ suy yếu.
Gần đây nhất vào tháng 3 năm nay, truyền thông đưa tin Arab Saudi đang cân nhắc bán dầu thô cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Kể từ khi quan hệ song phương ấm lên, Trung Quốc đã ngỏ lời mua dầu của Arab Saudi bằng đồng nội tệ.
Điểm đáng chú ý là luồng thông tin vào tháng 3 lại trùng hợp với thời điểm quan hệ giữa Washington và Riyadh xấu đi dưới thời Tổng thống Joe Biden, một số chuyên gia phân tích lưu ý.
Arab Saudi cố định đồng riyal với đồng USD, điều này khiến việc bán dầu bằng nhân dân tệ có thể gây hại cho đồng nội tệ của đất nước Trung Đông. Tuy nhiên, nếu dự luật NOPEC được thông qua và mối quan hệ đôi bên xấu đi, Riyadh có thể cảm thấy bị dồn vào chân tường và chuyển sang thúc đẩy đồng petroyuan thay vì petrodollar.
Đòn đáp trả thứ hai có thể là nâng giá dầu xuất khẩu sang Mỹ. Arab Saudi có thể tạo ra một đợt tăng giá bằng cách đưa tuyên bố, thông báo họ không còn công suất dự phòng. Khi đó, thị trường sẽ phản ứng ngay tức thì.