|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đủ kiểu gian lận xuất xứ

06:59 | 20/07/2019
Chia sẻ
Một số đối tượng đã thành lập nhiều công ty để nhập khẩu linh kiện, phụ tùng tháo rời rồi lắp ráp hoặc bán cho nơi khác lắp ráp

Nhiều hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam", "Sản xuất tại Việt Nam", "Xuất xứ Việt Nam", thậm chí khi nhập về sẽ được thay đổi nhãn mác để đánh lừa người tiêu dung. 

Đây là các thủ đoạn về gian lận xuất xứ hàng hóa (C/O) của không ít doanh nghiệp (DN) được Tổng cục Hải quan chỉ rõ tại cuộc họp chiều 19-7.

Hàng Trung Quốc "Made in Vietnam"

Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết câu chuyện "made in Vietnam" thời gian qua được nhắc đến nhiều khi chúng ta còn có khoảng trống pháp lý trong vấn đề này, đây là kẽ hở để không ít DN lợi dụng. Dù nhập từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở DN, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa. 

Điển hình như Công ty CP Xuất nhập khẩu Hiếu Nghĩa nhập khẩu từ Trung Quốc 1.600 đôi giày nhưng trên sản phẩm đã ghi "Made in Vietnam", Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trần Vượng nhập khẩu mặt hàng loa âm thanh từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm đều thể hiện sản xuất tại Việt Nam.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ rõ một số DN lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng rồi sau đó thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa. 

Thậm chí lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Qua kiểm tra, giám sát, cơ quan hải quan phát hiện không chỉ DN Việt Nam mà còn có DN FDI nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng trên thực tế lại không gia công, lắp ráp hoặc chỉ gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng lại hợp thức hóa hồ sơ để cấp C/O của Việt Nam. 

Ông Tuấn dẫn trường hợp Công ty CP Điện tử Asanzo mà báo chí phản ánh về nghi vấn nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam bán ra thị trường để minh chứng cho vấn đề vừa nêu.

Đủ kiểu gian lận xuất xứ - Ảnh 1.

Lực lượng hải quan kiểm tra một lô hàng hóa Trung Quốc nhưng lại ghi “Made in Thailand” ở Lạng Sơn mới đây

Chính quyền "tiếp tay"

Theo Tổng cục Hải quan, để gian lận xuất xứ, một số đối tượng đã thành lập nhiều công ty để nhập khẩu linh kiện, phụ tùng tháo rời rồi lắp ráp hoặc bán cho công ty khác lắp ráp. Tuy nhiên, quá trình gia công, lắp ráp thực chất chỉ "tráng men", không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. 

Ông Âu Anh Tuấn cho biết qua kiểm tra, cho thấy một số DN sản xuất, bán ra thị trường nội địa và xuất khẩu giá trị hàng hóa từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng nhưng chi phí điện, nước phát sinh rất ít, chứng tỏ họ gần như không có hoạt động sản xuất mà chỉ thay đổi nhãn mác, bao bì.

Theo cơ quan hải quan, hành vi gian lận xuất xứ dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu họ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cũng liên quan đến tình trạng gian lận xuất xứ, ông Vũ Quang Toàn, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu), cho hay đơn vị đang điều tra 6 DN gỗ có dấu hiệu gian lận C/O để xuất khẩu đi nước ngoài.

Đáng chú ý, vi phạm của DN có sự "tiếp tay" của chính quyền địa phương khi đã ký khống các giấy tờ nguyên liệu đầu vào cho DN, trong khi trên thực tế DN không mua nguyên liệu. Mặc dù số lô, số thửa hộ dân đang trồng và khai thác rừng không có thực nhưng địa phương vẫn hợp thức hóa cho DN. 

Chưa có kết quả vụ Asanzo

Bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), cho biết quá trình kiểm tra, làm rõ vụ việc Asanzo vẫn đang diễn ra nên chưa có kết luận cuối cùng, chưa thể nói đúng - sai. Cục đã kiểm tra 31 DN nghi vấn có mua bán linh kiện, hoạt động thương mại với Asanzo, trong đó có 3 DN ngừng hoạt động, 1 DN bị khởi tố là Công ty Sa Huỳnh. Một số công ty cục đã kiểm tra xong, có kết quả sơ bộ nhưng phải tổng kết toàn bộ hồ sơ thì mới có kết luận cuối cùng.

Minh Chiến

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.