|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Du khách Trung Quốc ưu tiên các điểm đến giá rẻ trong nước, tránh ra nước ngoài

13:45 | 29/05/2024
Chia sẻ
Đối với người dân Trung Quốc, chi phí cho mỗi chuyến du lịch trong nước có thể rẻ gấp vài lần du lịch quốc tế. Nhiều thành phố Trung Quốc cũng đang tăng cường quảng bá trên mạng xã hội để thu hút du khách.

Học viện Du lịch Trung Quốc dự đoán ngành du lịch trong nước sẽ phục hồi về mức trước đại dịch trong năm 2024. (Ảnh minh hoạ: Xinhua). 

Chi phí rẻ hơn hẳn

Ngày càng nhiều người Trung Quốc lựa chọn vui chơi trong nước thay vì đi du lịch nước ngoài với chi phí giá đắt đỏ hơn. 

Khảo sát do hãng tư vấn Oliver Wyman mới công bố cho biết trong số các hộ gia đình thu nhập cao từng đi du lịch quốc tế vào năm ngoái, chỉ 14% có kế hoạch ra nước ngoài trong năm 2024. Nhóm này bao gồm các hộ gia đình ở đại lục kiếm được ít nhất 30.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 4.140 USD) mỗi tháng.

Lý do hàng đầu mà các gia đình tham gia khảo sát đưa ra là Trung Quốc “có nhiều lựa chọn du lịch phong phú”, tiếp đến là du lịch nước ngoài “quá tốn kém”.

Chi phí du lịch trung bình cho mỗi cá nhân tại Trung Quốc đại lục là dưới 1.000 nhân dân tệ. Trong khi đó, mỗi chuyến đi sang Hong Kong hoặc Nhật Bản tốn vài nghìn nhân dân tệ, theo Oliver Wyman.

Tờ CNBC cho biết du lịch nội địa là điểm sáng trong cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc kể từ khi nước này chấm dứt các biện pháp kiểm soát COVID-19 vào cuối năm 2022.

Các thành phố nhỏ như Dương Châu, Lạc Dương, Tần Hoàng Đảo, Quế Lâm và Truy Bác là những nơi chứng kiến lượng đặt tour di lịch tăng trưởng mạnh nhất trong kỳ nghỉ lễ 1/5 - 5/5.

Bà Ashley Dudarenok, nhà sáng lập hãng tư vấn kỹ thuật số ChoZan, kỳ vọng: “Năm nay, du lịch nội địa Trung Quốc sẽ vượt qua mức trước đại dịch”.

Tuy nhiên, bà dự đoán du lịch quốc tế sẽ cần thêm thời gian để phục hồi, một phần bởi người Trung Quốc lo ngại rằng các nơi khác trên thế giới “không an toàn”. Tâm lý bất an của họ còn cao hơn năm 2023.

Cạnh tranh qua mạng xã hội

Chính quyền địa phương tại các thành phố nhỏ ở Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thu hút du khách, chủ yếu thông qua mạng xã hội.

Hồi đầu tháng này, các quan chức Quảng Tây cho biết video quảng cáo của họ có hàng triệu người xem trên những ứng dụng như Douyin và Xiaohongshu.

Bà Dudarenok bình luận: “Các thành phố đều cố gắng để trở nên viral, nỗ lực thể hiện điểm sáng về cộng đồng và di sản văn hóa trên mạng xã hội. Một khi hình ảnh về một thành phố được lan truyền rộng rãi, hàng nghìn khách du lịch sẽ đổ xô tới đó”.

Người Trung Quốc đã đổ về thành phố Truy Bác ở phía đông tỉnh Sơn Đông sau khi video về món thịt nướng rẻ tiền tại đây viral trên mạng xã hội vào năm ngoái. Tương tự, ba triệu lượt khách đã kéo về Cáp Nhĩ Tân trong ba ngày nghỉ Tết dương lịch sau khi các các tác phẩm điêu khắc trên băng và phong tục độc đáo của vùng này thu hút sự chú ý trên mạng xã hội.

Các chương trình tivi giới thiệu một số vùng cụ thể cũng giúp thúc đẩy du lịch. Theo iQiyi, nhờ sức nóng của bộ phim lấy bối cảnh ở Altay - một vùng hẻo lánh ở Tân Cương - mà lượng khách du lịch đến đây trong ba ngày nghỉ lễ đầu tiên của tháng 5 đã nhảy vọt gần 38% so với một năm trước.

Bà Dudarenok nhận xét: “Các bộ phim truyền hình giúp thu hút rất nhiều sự chú ý của công chúng”. Bà nói thêm rằng đồ ăn “luôn là lý do quan trọng nhất” khi người Trung Quốc chọn nơi đi du lịch.

Mạng lưới tàu cao tốc và chuyến bay trải rộng của Trung Quốc tạo điều kiện để mọi người đến thăm các thành phố nhỏ một cách dễ dàng, thậm chí chỉ trong khoảng thời gian hai hoặc ba ngày.

Theo Oliver Wyman, xu hướng ưa chuộng du lịch trong nước của người Trung Quốc đồng nghĩa với việc phải đến cuối năm 2025, du lịch quốc tế mới có thể phục hồi hoàn toàn về mức năm 2019, muộn hơn nửa năm so với dự báo trước đó.

Về lâu dài, bà Dudarenok cho rằng các điểm du lịch quốc tế cần nâng cấp trải nghiệm của du khách để cạnh tranh với sự phát triển của các khách sạn hiện đại, sành điệu và các dịch vụ du lịch khác ở Trung Quốc. Bà chỉ ra: “Du khách Trung Quốc không dễ tính”.  

Giang