|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CPI cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, cơn ác mộng giảm phát của Trung Quốc đã kết thúc?

07:37 | 13/05/2024
Chia sẻ
Tuy giá sản xuất vẫn tiếp tục đà giảm, giá tiêu dùng đã khởi sắc tháng thứ ba liên tiếp, nhen nhóm tia hy vọng rằng nhu cầu của người dân Trung Quốc đã phục hồi phần nào.

 

Người dân mua sắm bên trong một siêu thị ở Nam Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 4, trong khi giá sản xuất tiếp tục đà giảm. Các số liệu mới báo hiệu sự cải thiện của nhu cầu nội địa giữa lúc Bắc Kinh cố gắng vượt qua nhiều thách thức để vực dậy nền kinh tế.

Các số liệu mới còn được nhà đầu tư theo dõi sát sao sau khi báo cáo nhập khẩu tháng 4 tăng trưởng tốt hơn mong đợi, cho thấy một loạt biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh trong vài tháng qua có thể đã giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính 0,2% từ các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters. CPI tháng 3 tăng 0,1% so với cùng kỳ.

Loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi đi lên 0,7% so với cùng kỳ, cải thiện so với mức tăng 0,6% của tháng 3.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4 sụt khoảng 2,5% so với một năm trước - dịu bớt so với mức giảm 2,8% trong tháng 3 nhưng vẫn nới dài đà giảm bắt đầu từ một năm rưỡi trước.

Chia sẻ với Reuters, ông Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, đánh giá: “Không tính giá năng lượng và thực phẩm, dữ liệu mới cho thấy nhu cầu đang quay trở lại, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ”.

Nếu so với tháng liền trước, CPI tháng 4 tăng 0,1% - cao hơn ước tính giảm 0,1% của các nhà kinh tế và đảo ngược mức giảm 1% của tháng 3.

 

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh vẫn còn nhiều việc phải làm và đà tăng của giá tiêu dùng có thể chưa đủ bền vững vì các cuộc khảo sát chính thức cho thấy PMI sản xuất và dịch vụ đang hạ nhiệt.

Giữa lúc đó, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài vẫn chưa cho thấy dấu hiệu lắng dịu. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ phải triển khai thêm các kích thích kinh tế mới.

Ông Xu nói thêm: “Đợt tăng giá của các công ty điện nước là một yếu tố khác giúp CPI cải thiện. Tình trạng căng thẳng tài khoá mà một số chính quyền địa phương đang phải đối mặt đã ảnh hưởng đến các khoản trợ cấp mà họ nhận được. Điều này buộc một số địa phương phải đẩy chi phí tăng thêm sang người dân”.

Theo Reuters, các quan chức địa phương đang phải vật lộn với núi nợ lên tới 13.000 tỷ USD. Bắc Kinh đã yêu cầu các chính quyền địa phương nặng nợ trì hoãn hoặc tạm dừng một số dự án hạ tầng do nhà nước tài trợ.

Ông Chu Maohua, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại China Everbright Bank, cho hay: “Dữ liệu về giá cho thấy nhu cầu trong nước đang phục hồi, cung và cầu tiếp tục cải thiện, và triển vọng nhu cầu cũng như giá cả trong thời gian tới là khá lạc quan”.

“Song, giá tiêu dùng vẫn còn ở mức thấp và lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chịu áp lực. Điều này chứng tỏ nhu cầu thực tế vẫn chưa đủ mạnh và cuộc phục hồi trong lĩnh vực công nghiệp chưa đủ cân bằng”, ông Chu tiếp lời.

Hồi cuối tuần trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo họ sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chính xác và hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi của giá tiêu dùng để củng cố nền kinh tế.

Trước đó vào tháng 4, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của chính phủ Trung Quốc từng nhấn mạnh rằng nước này sẽ sử dụng nhiều công cụ chính sách như tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% của năm 2024 nếu chính phủ không có thêm hỗ trợ chính sách.

Khả Nhân