|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dư địa tăng trưởng của ngành bao bì Việt Nam còn rất lớn

03:23 | 01/02/2022
Chia sẻ
Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), dư địa tăng trưởng của ngành bao bì tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn lớn từ việc nhiều doanh nghiệp bao bì đã nắm bắt cơ hội tăng trưởng nên đã mở thêm các nhà máy sản xuất; đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Dư địa tăng trưởng của ngành bao bì Việt Nam còn rất lớn - Ảnh 1.

Khi COVID-19 tác động đến việc mua hàng, bao bì đóng gói sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa. (Nguồn: TTXVN).

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Giấy, Bột giấy Việt Nam (VPPA) và Bao Bì Toàn Cầu cho thấy, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021 có 8 nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu tấn/năm. 

Sự tăng đầu tư mở rộng sản xuất từ phía doanh nghiệp, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn phục vụ xuất khẩu trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch; bắt làn sóng khi chủ sở hữu nhiều thương hiệu cải tiến việc ra mắt sản phẩm của họ trong thời kỳ bình thường tiếp theo.

Xét về trung và dài hạn, tăng trưởng trong ngành bao bì hiện đang được thúc đẩy bởi hai xu hướng lớn, đó là: tăng dân số toàn cầu và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. So với con số 7,8 tỷ người hiện nay, dân số toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 9,2 tỷ vào năm 2040. 

Trong khi đó, tầng lớp trung lưu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 66% từ 3 tỷ người lên hơn 5 tỷ người trong 10 năm tới, với những người sống lâu hơn, khỏe mạnh và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng.

Cũng theo Vietnam Report, 5 yếu tố định hình xu hướng phát triển của ngành bao bì trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đó là, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tính bền vững và những chính sách quy định về môi trường, an toàn thực phẩm; sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng; sự phát triển của thương mại điện tử và sự phát triển công nghệ

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report, việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến không phải là điều mới do sự phát triển của Internet và điện thoại thông minh nhưng những làn sóng bùng phát của COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ các chủ doanh nghiệp mở cửa hàng thương mại điện tử và người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. 

Trong thời điểm giãn cách, đơn hàng online tại các cửa hàng, siêu thị có lúc tăng từ 5-7 lần khi nhiều người hạn chế đến siêu thị.

Số liệu của Bộ Công Thương ghi nhận đã có khoảng 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến. Người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn dẫn đến khối lượng bao bì thương mại điện tử gia tăng. Khi COVID-19 tác động đến việc mua hàng, bao bì đóng gói sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa. 

Bao bì thương mại điện tử vẫn phản ánh các nguyên tắc cơ bản giống như khi mua sắm trực tiếp và cho phép một sản phẩm đóng gói tham gia vào chuỗi phân phối dài hơn, phức tạp hơn của thế giới thương mại điện tử và đáp ứng kỳ vọng đang thay đổi của khách hàng và người tiêu dùng trong lĩnh vực này.

Khảo sát gần đây của Vietnam Report cho thấy 51,96% người sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên như khi xảy ra đại dịch và 45,1% người cho rằng sẽ mua sắm trực tuyến ít hơn so với khi đại dịch bùng phát nhưng nhiều hơn so với trước khi có dịch. 

Thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển mạnh sau đại dịch, nhiều định dạng đóng gói hiện tại sẽ phải được cập nhật hoặc thiết kế lại để tối ưu hóa cho thương mại điện tử và vận chuyển: các định dạng đóng gói trong tương lai sẽ cần để ngăn ngừa hư hỏng sản phẩm, hỗ trợ năng suất trong toàn bộ chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận chuyển và cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng. 

Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp bao bì cần tiếp tục đổi mới trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất bao bì chuyên dụng dành cho thương mại điện tử.

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã mở ra cơ hội, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ trong ngành công nghiệp bao bì từ định hình thiết kế, chất liệu bao bì đến thay đổi trong sản xuất, vận hành và tự động hóa giao hàng. 

Đại dịch COVID-19 đã nhanh chóng biến đổi ngành công nghiệp bao bì theo nhiều cách, đặc biệt là bằng cách thúc đẩy nhu cầu áp dụng kỹ thuật số không chỉ để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng và sản xuất mà còn để cải thiện năng suất và hạ giá thành.

Ngoài ra, khi chi phí giảm, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc áp dụng các giải pháp thông minh và số hóa vào bao bì nhằm mục đích tương tác với người tiêu dùng, theo dõi và truy tìm nguồn gốc. 

Ngành công nghiệp bao bì cũng đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng đối với việc số hóa trước sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại điện tử, đã tạo ra các yêu cầu mới về bao bì cần phải thông minh, tiện lợi hơn.

Theo đó, các doanh nghiệp bao bì sẽ tăng cường đầu tư vào thiết bị và công nghệ mới để nâng cao năng lực cũng như khả năng cạnh tranh, đáp ứng các quy định về môi trường, nhu cầu của khách hàng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report, 6 biến số ảnh hưởng nhất đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp bao bì. Đó là, sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng; sự biến động của giá và nguồn nguyên liệu, phụ gia; sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nội – ngoại; các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết; khả năng hồi phục của nền kinh tế và sự tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất.

Hơn 80% chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đánh giá ngành bao bì sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng và có thể tăng trưởng hơn một chút trong năm 2022 so với năm 2021. 

Ngành bao bì trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều động lực thúc đẩy khi mà Việt Nam và nhiều nước là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp bao bì cũng chuyển sang chiến lược sống chung với COVID-19 và nền kinh tế có nhiều triển vọng phục hồi trong năm 2022, cùng với đó là nhiều người có việc làm và mua nhiều hàng hóa tiêu dùng hơn sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng của ngành bao bì.

Ngọc Quỳnh