Kết nối doanh nghiệp sản xuất bao bì Việt Nam với nhà nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1978, hai nước luôn duy trì được mối quan hệ kinh tế, chính trị thân thiện và phát triển đầy tích cực và mạnh mẽ. Thổ Nhĩ Kỳ luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Trung Đông.
Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch COVID- 19, các cơ quan xúc tiến thương mại hai nước vẫn năng động thực hiện đa dạng các hoạt động giao thương trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai bên duy trì hợp tác kinh doanh, khai thác nhiều dư địa hợp tác còn bỏ ngỏ trong thương mại hai nước.
Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Tài, Việt Nam ngày nay đang dần trở thành công xưởng của thế giới và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với các sản phẩm bao bì, với lợi thế có nguồn nhân công khéo léo, tay nghề cao giá cả hợp lý và nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về thẩm mỹ, đa dạng về loại, số lượng và chất lượng của nhóm sản phẩm bao bì.
Các doanh nghiệp bao bì Việt Nam hiện nay đã có khả năng đáp ứng tốt các đơn hàng sản phẩm bao bì với sự đa dạng về nguyên liệu, chủng loại, mẫu mã như bao bì giấy, bao bì nhựa thực phẩm, bao bì màng nhôm dược phẩm, sản phẩm thùng carton, đệm vách carton, bao bì dệt nhựa pp, bao bì dệt pp tráng…
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm cung cấp các sản phẩm bao bì cho các đối tác tại nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản…
Ông Lê Phú Cường, Tham tán Thương Vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng phân tích những tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực bao bì của hai nước nói riêng.
Theo đó, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trưởng gấp 3 lần trong 17 năm vừa qua (2002-2019) và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường lớn với 83 triệu dân là nguồn mua hàng tiềm năng cho các sản phẩm của Việt Nam.
Những thị trường xuất nhập khẩu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là Trung Quốc, Đức, Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Italy, I-ran… Điều này cho thấy thị trường Thổ Nhĩ kỳ vẫn còn nhiều dư địa cho hàng hóa của Việt Nam; trong đó có nhóm sản phẩm bao bì.
Đại diện phía nhà nhập khẩu bao bì, ông Omer Gurkok, Quản lý cao cấp mua hàng toàn cầu của Tập đoàn Arcelik Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ, Arcelik là một trong những công ty hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên về dịch vụ và sản phẩm công nghiệp. Arcelik có 33 công ty khác nhau và bán hàng trên 22 quốc gia, cung cấp dịch vụ cho 145 quốc gia trên thế giới.
Ông Omer Gurkok cũng lưu ý các doanh nghiệp bao bì Việt Nam khi hợp tác với Arcelik, do tập đoàn này rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững nên bao bì của Việt Nam cần đáp ứng được những yêu cầu này. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất bao bì cũng cần lưu ý đến các yếu tố như kích thước, logo, kiểu dáng…
Khẳng định các doanh nghiệp bao bì Việt Nam có đủ năng lực cung cấp bao bì cho các nhà nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ, bà Lương Thị Thúy Ngân, Tổng Thư ký Hiệp hội bao bì Việt Nam (VIPAS) dẫn lời của ông Nguyễn Ngọc Sang-Chủ tịchVIPAS cho biết, bao bì là một trong những ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam.
Đặc biêt khi nhu cầu trong nước ngày càng cao đối với hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm và mở rộng xuất khẩu những sản phẩm cần được đóng gói. Lĩnh vực đóng gói bao bì tăng trưởng trung bình từ 15 - 20%/năm.
Những năm qua bao bì Việt Nam theo sản phẩm Việt Nam đã đến các thị trường cao cấp tại các nước ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Hiện tại, Việt Nam đã sẵn sàng xuất khẩu bao bì ra thị trường thế giới.
Ngay sau phiên hội nghị, các nhà sản xuất, xuất khẩu bao bì của Việt Nam đã bước vào các phiên giao thương trực tuyến 1:1 với hệ thống các công ty con của Tập đoàn Arcelik tại Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều khu vực trên thế giới để trao đổi thông tin, giới thiệu chi tiết các sản phẩm bao bì Việt Nam phù hợp với nhu cầu nhập khẩu của phía Thổ Nhĩ Kỳ.