Giám đốc Chiến lược Lotte Mart Việt Nam: Bao bì là điểm yếu của sản phẩm Việt Nam
Chiều 24/9, UBND tỉnh Bến Tre và một số đơn vị khác phối hợp tổ chức hội thảo "Giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đặc sản Bến Tre".
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc chiến lược sản phẩm của Lotte Mart Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn ở khâu định hình bao bì sản phẩm. Để sản phẩm đi vào trong các kênh hiện đại thì việc hoàn chỉnh bao bì, cân nhắc dung lượng sản phẩm là rất quan trọng.
“Lotte Mart đang tìm kiếm rất nhiều doanh nghiệp Việt để cùng hợp tác phát triển các dòng sản phẩm nhãn hàng riêng. Qua đó, dùng tiêu chuẩn nước ngoài để làm việc với doanh nghiệp Việt, để hiện đại hóa sản xuất của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận doanh nghiệp, tìm kiếm sản phẩm”, ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), hàng hóa của doanh nghiệp địa phương có sự đầu tư mẫu mã, thiết kế bao bì... so với trước đây.
Tuy nhiên, hiện tại sản phẩm OCOP chưa được đầu tư đúng mức về khâu quảng bá, tiếp thị giúp nhà bán lẻ và người tiêu dùng nhận biết trên thị trường. Cùng với đó, nhà bán lẻ, nhà phân phối cần biết qui trình lựa chọn sản phẩm OCOP bao gồm những tiêu chuẩn và có giá trị gia tăng như thế nào.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc ngành hàng Thực phẩm tươi sống khu vực miền Nam của Central Group Việt Nam lưu ý, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất mới khởi nghiệp cần chú trọng đảm bảo sản lượng, kết hợp cùng các doanh nghiệp khác trong khâu vận chuyển để giảm chi phí và cung ứng sản phẩm.
Ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, cho biết trong ngày 24/9 đã có gần 20 doanh nghiệp của tỉnh Bến Tre tham gia kí kết hợp đồng kết nối cung – cầu với các hệ thống siêu thị, nhà phân phối TP HCM.
Tính đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 59 sản phẩm được trao chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Mục tiêu đến cuối năm 2020, Bến Tre xét công nhận thêm 21 sản phẩm OCOP Bến Tre.
Bà Ngô Thị Kiều Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long (tỉnh Bến Tre), doanh nghiệp đã kết nối với 2 hệ thống siêu thị lớn trong ngày đầu tiên của chương trình kết nối nay nay cho biết công ty mong muốn các nhà bán lẻ, nhà phân phối, hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre có thể vào kênh phân phối hiện đại.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Bến Tre cần tận dụng thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển để phát triển và xây dựng thương hiệu xuất khẩu cho nhiều sản phẩm như trái cây, thủy hải sản...
Đặc biệt thông qua việc kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre sẽ giúp các các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất… trên địa bàn tỉnh mở rộng cơ hội giao thương, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và phân phối.
Còn bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng, trong thời gian dài tăng cường xúc tiến thương mại giữa hai địa phương đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà bán lẻ...
Tuy nhiên doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận thực tế là cần giải bài toán cung gì cho thị trường, chứ không chỉ dừng lại việc cung những gì sản xuất được.
"Hiện nay, thị trường rất đa dạng sản phẩm nên vấn đề quan trọng là doanh nghiệp lựa chọn hướng đi bền vững và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được thể hiện được sản phẩm đảm bảo chất lượng, sản lượng, mẫu mã, bao bì...", bà Trang nhấn mạnh.