|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng trăm doanh nghiệp, nhà cung ứng mang đặc sản, nông sản chất lượng kết nối với TP HCM

08:44 | 25/09/2020
Chia sẻ
Từ 24 - 27/9, 598 doanh nghiệp đến từ 41 tỉnh, thành cùng mang các loại đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm an toàn tham gia Hội nghị kết nối cung cầu năm 2020 giữa TP HCM và các tỉnh, thành 2020.

Ngày 24/9, Sở Công Thương TP HCM phối hợp Sở Công Thương các tỉnh, thành tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình Hợp tác Thương mại giai đoạn 2016- 2020 và Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2020.

Chương trình kết nối cung - cầu năm nay có 598 doanh nghiệp tham gia, trong đó 474 doanh nghiệp của 41 tỉnh thành tham gia với 246 gian hàng; 124 doanh nghiệp của TP HCM tham gia với 224 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng hóa. 

Có 14 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phân phối, logistic, xuất nhập khẩu tham gia kết nối đưa sản phẩm đạt chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối, xuất khẩu.

Ngoài ra, còn có 9 hệ thống phân phối lớn trên địa bàn thành phố tham gia kết nối như Sài Gòn Co.op, Satra, Lotte, Big C, Aeoncitimart, Aeon Việt Nam, MM Mega Market, Bách hóa xanh, Emart và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của các tỉnh, thành có nhu cầu kết nối đưa sản phẩm đạt chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết trong 2 tháng qua, COVID-19 một lần nữa tác động lớn đến các hoạt động dịch vụ, thương mại, nhưng không vì thế mà tinh thần và sự chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

"Hôm nay, tại TP HCM, các doanh nghiệp mang theo những sản phẩm, dự án, đề án và những hợp đồng dự kiến là một minh chứng cho sự bền bỉ và sức chiến đấu của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào", ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.

Hàng trăm doanh nghiệp, nhà cung ứng mang đặc sản, nông sản chất lượng kết nối với TP HCM - Ảnh 1.

Lễ kí kết hợp tác thương mại giữa TP HCM và các tỉnh thành giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP HCM chương trình hợp tác thương mại giữa TP HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ giai đoạn 2016 - 2020, TP HCM kí kết tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh thành trên 4.500 tỉ đồng/năm. 

Hiện phần lớn các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP HCM đều đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành. 

Điển hình như Saigon Coop có hệ thống kho bãi, logistics, siêu thị phủ khắp cả nước, là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ các mặt hàng nông sản, với những mặt hàng có sản lượng lớn được thu mua, cung cấp cho thị trường cả nước; Vissan liên kết với các trang trại chăn nuôi tại các địa phương tiêu thụ bình quân 31.000 tấn heo hơi/năm, 1.241 tấn bò hơi/năm.

Các doanh nghiệp TP HCM cũng mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại các tỉnh thành, giúp thúc đẩy phân phối hàng hóa chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, giá cả cạnh tranh đến tay người dân.

Đối với hoạt động kết nối cung cầu được tổ chức thường niên kể từ năm 2012 đến nay, đã có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được kí kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỉ đồng/năm. “Đây chính là động lực cho sự hợp tác và đòn bẩy mở ra một giai đoạn mới”, ông Vũ đánh giá.

Thời gian tới, ông Vũ cho rằng, TP HCM sẽ ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGap, GlobalGap; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương.

Riêng thành phố sẽ tiếp tục xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả và giảm chi phí trung gian và đẩy mạnh xuất khẩu.

"Hội nghị năm nay tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ giữa thành phố với các địa phương trên cả nước, tập trung hỗ trợ các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu", đại diện Sở Công Thương cho biết.

Hàng trăm doanh nghiệp, nhà cung ứng mang đặc sản, nông sản chất lượng kết nối với TP HCM - Ảnh 2.

Doanh nghiệp tại các tỉnh miền Tây đem nhiều đặc sản lên TP HCM giới thiệu tại Hội nghị kết nối cung cầu năm 2020. Ảnh: Như Huỳnh.

Ngoài ra, hội nghị cũng giúp tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước cung cấp cho thị trường TP HCM, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả hợp lí, có tiềm năng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đánh giá, đây là một hoạt động thiết thực đối với các doanh nghiệp và địa phương, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Thông qua hợp tác thương mại những năm qua, các sản phẩm nông sản, đặc sản của Bến Tre tìm thấy đầu ra ổn định ở các hệ thống bán lẻ hiện đại khắp toàn quốc và cơ hội xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Hàng trăm doanh nghiệp, nhà cung ứng mang đặc sản, nông sản chất lượng kết nối với TP HCM - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp chào hàng, giới thiệu sản phẩm đến đối tác và người tiêu dùng. Ảnh: Như Huỳnh.

Hàng trăm doanh nghiệp, nhà cung ứng mang đặc sản, nông sản chất lượng kết nối với TP HCM - Ảnh 4.

Nhiều gian hàng giới thiệu các loại đặc sản vùng miền, hàng nông sản, thực phẩm an toàn từ các tỉnh, thành đến người tiêu dùng. Ảnh: Như Huỳnh.

Hàng trăm doanh nghiệp, nhà cung ứng mang đặc sản, nông sản chất lượng kết nối với TP HCM - Ảnh 5.

Sản phẩm nông sản tươi được trưng bày bắt mắt, thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, lưu ý hiện cả nước bước vào thời kì hội nhập sâu hơn và rộng về kinh tế khi Việt Nam đã kí kết, tham gia 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là những FTA thế hệ mới với nội dung toàn diện và sâu sắc hơn.

Quá trình gỡ bỏ dần rào cản thuế quan và phi thuế quan theo các FTA mang đến kì vọng mở rộng thị trường cho cả xuất khẩu - nhập khẩu và phân phối nội địa. 

Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho doanh nghiệp Việt, đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đủ sức cạnh tranh một cách sòng phẳng với các đối thủ lớn. Trong đó, liên kết để phát triển là giải pháp quan trọng tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.