Dư địa điều hành giá thấp, nguy cơ lạm phát tăng cao đang hiện hữu
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 5, CPI của Việt Nam tăng 0,38% so với tháng 4 và tăng 2,86% so với tháng 5/2021.
Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI cao hơn mức tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2017-2020. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% s với cùng kỳ 2021, mặt bằng giá cả cơ bản được kiểm soát.
CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, kéo theo dây chuyền các mặt hàng vật liệu xây dựng, nguyên liệu đầu vào, cước vận tải…
Tại cuộc họp ngày 13/6 về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, đại diện các bộ ngành cho rằng việc quản lý, kiềm chế lạm phát trong bối cảnh "bão giá" trên toàn cầu là rất khó, kể cả đối với các nền kinh tế phát triển, cũng như các nước trong khu vực.
Các bộ ngành cũng nhấn mạnh thời gian tới, dư địa để điều hành giá trong thời gian tới còn rất thấp, "nguy cơ lạm phát tăng cao là hiện hữu".
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định dù áp lực lạm phát trong 5 tháng đầu năm cao nhưng chúng ta đã kiểm soát được. Trong khi đó, lạm phát của một số nước như Indonesia đã tăng 2,8%; Thái Lan 5,19%; Philippines 4,06%; Mỹ 8,6%; các nước châu Âu tăng 5,7%...
Tuy nhiên, thời gian tới, áp lực lạm phát còn cao hơn nữa. Nhất là giá xăng dầu tiếp tục gia tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác như giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải,…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt; phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát trong năm 2022.
"Đây là vấn đề rất quan trọng! Chúng ta phải hết sức thận trọng. Nếu chúng ta lơ là để lạm phát kỳ vọng tăng cao sẽ rất khó kiểm soát", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Đối với quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành theo dõi sát diễn biến thị trường, “dự báo sớm hơn" để có biện pháp điều hành linh hoạt.
Đặc biệt với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu sử dụng Quỹ BOG hợp lý, đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành quản lý chặt giá cước vận tải, đảm bảo mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gãy, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm, công bố hàng tháng để hỗ trợ doanh nghiệp.