|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dự báo sớm kịch bản thoái vốn Viglacera

07:15 | 11/12/2018
Chia sẻ
Khớp lệnh trên sàn hoặc đấu giá cả lô, đấu giá rộng rãi trên thị trường, phương thức nào sẽ được Bộ Xây dựng lựa chọn trong đợt thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Viglacera) tới đây?
du bao som kich ban thoai von viglacera Viglacera khởi công khu công nghiệp đầu tiên tại đặc khu của Cuba
du bao som kich ban thoai von viglacera Lỡ hẹn thoái vốn nghìn tỉ tại nhiều ‘ông lớn’ đầu ngành
du bao som kich ban thoai von viglacera
Bộ Xây dựng sẽ thực hiện lại việc định giá doanh nghiệp cho đợt thoái vốn tại Viglacera sắp tới

Viglacera là doanh nghiệp thuộc hàng "ngon” nhất của Bộ Xây dựng, nhưng đã qua một lần thoái vốn không thành công trong năm 2018, nên đợt thoái vốn năm 2019 sẽ là một thử thách đối với bộ này.

Giá khởi điểm: Ít khả năng thấp hơn thị giá

Tháng 5/2018, Bộ Xây dựng đã triển khai đợt chào bán gần 80,6 triệu cổ phần Viglacera nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ 53% xuống 36%. Tính theo giá khởi điểm 26.100 đồng/cổ phần, tổng giá trị đợt chào bán có quy mô hơn 2.000 tỷ đồng.

Phương thức thoái vốn là thực hiện giao dịch khớp lệnh trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và giá đặt lệnh là giá trần của ngày giao dịch, nhưng tối thiểu là 26.100 đồng/cổ phần và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.

Khi đợt chào bán được công bố, giới đầu tư đặt câu hỏi nhiều nhất là tại sao Bộ Xây dựng lại ấn định giá chào bán cổ phần Viglacera (mã chứng khoán VGC) cao hơn gần 10% so với thị giá cổ phiếu trên sàn (tính theo thời điểm Bộ Xây dựng phê duyệt phương án bán vốn ngày 22/5).

Đại diện Bộ Xây dựng tại các buổi giới thiệu về đợt thoái vốn cho biết, giá khởi điểm được lựa chọn dựa trên thương hiệu và tiềm năng kinh doanh của Viglacera, đồng thời các phương pháp định giá cổ phiếu Viglacera cho ra mức giá cao nhất là 24.100 đồng/cổ phần.

Không may, đợt chào bán rơi đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán có diễn biến giảm, giá cổ phiếu VCG cũng trong đà giảm. Phiên 28/6, đúng ngày Bộ Xây dựng đưa cổ phiếu ra bán, các nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ “treo” hàng triệu cổ phiếu hòng “ăn theo”, giá cổ phiếu VGC lập tức giảm sàn, khiến lượng cổ phần Nhà nước chào bán bị ế toàn bộ.

Nhiều cổ đông hiện hữu của Viglacera khi bình luận về sự kiện này tỏ ra xót xa khi giá cổ phiếu VGC liên tục giảm, thời điểm thấp nhất là 15.000 đồng/cổ phiếu, sau đó dao động quanh 18.000 đồng/cổ phiếu. Tuần qua, giá cổ phiếu này dao động quanh 20.000 đồng/cổ phiếu. So với mức giá cao nhất mà VGC đạt được trong vòng hơn 1 năm qua, thị giá cổ phiếu giảm gần 30%.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đậu Minh Thanh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cho biết, chứng thư thẩm định giá chỉ có giá trị trong 6 tháng, bởi vậy Bộ phải thực hiện lại việc định giá doanh nghiệp cho đợt thoái vốn tới đây. Theo ông Thanh, Viglacera hoạt động ổn định, đang kiểm soát tốt các kế hoạch, chương trình của doanh nghiệp, nên có định giá lại cũng không khác trước nhiều.

Như vậy, có thể hiểu rằng, giá khởi điểm Nhà nước thoái vốn tại Viglacera sắp tới khó có khả năng thấp hơn 24.000 đồng/cổ phiếu. Đó là chưa kể, theo các quy định mới được ban hành gần đây, giá trị doanh nghiệp còn phải cộng thêm khoảng 1% nếu không có cơ sở để tính được giá trị thương hiệu, văn hóa, lịch sử doanh nghiệp…

Quan trọng là cách làm

Theo Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn tại Viglacera. Hiện Bộ Xây dựng đang sở hữu 53% cổ phần tại doanh nghiệp. Nếu xét cả lô cổ phần, đây là một tỷ lệ hấp dẫn, vì nhà đầu tư sở hữu số cổ phần này hầu như có quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.

Kinh nghiệm của đợt thoái vốn năm 2018 sẽ là yếu tố khiến Bộ Xây dựng phải cân nhắc kỹ trong đợt thoái vốn sắp tới.

“Sẽ căn cứ các điều kiện thị trường, nhưng đợt thoái vốn Vinaconex năm 2018 cũng là bài học để tính toán”, ông Đậu Minh Thanh nói.

Trên thực tế, có những thời điểm thị trường chứng khoán không thuận lợi, nhưng nhiều đợt thoái vốn, phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vẫn thành công. Vì sao trên thị trường có những đợt bán vốn thành công, có những đợt chào bán lại thất bại?

Điều này, theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những lý do là phải xem xét cách thức thực hiện của những bên có liên quan. Một thương vụ muốn thành công, ngoài yếu tố nội lực thị trường thì còn phải xét đến kết quả hoạt động, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, tỷ lệ chào bán, giá chào bán và mức độ truyền thông về đợt chào bán.

Khó có thể chỉ dựa vào lý do thị trường không thuận lợi để giải thích cho một đợt chào bán thất bại thêm một lần nữa, nhất là khi công tác thoái vốn nhà nước đang ngày càng chuyên nghiệp và có nhiều bài học kinh nghiệm thành công vượt dự liệu.

Xem thêm

Hải Phong - Anh Việt