Dự báo ngành ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong nửa cuối năm
Theo giới phân tích, lãi suất cho vay của các ngân hàng có thể vẫn duy trì tương tự như mức ở hiện tại, hoặc chỉ tăng nhẹ. Do đó, biên lãi ròng (NIM) của toàn ngành trong năm 2022 khả năng sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về NIM – thước đo tính hiệu quả cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng, chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho biết, tỷ lệ này sẽ giảm ở giai đoạn sắp tới trong bối cảnh chi phí huy động vốn đang gia tăng và tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn sẽ bị giảm.
Thanh khoản có dấu hiệu thu hẹp và lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong tháng vừa qua. Theo quan điểm của YSVN, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực để củng cố giá trị của đồng Việt Nam (VND) trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng mạnh so với đầu năm.
Những sự kiện này làm tăng chi phí huy động vốn của các ngân hàng, và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho đến cuối năm. Trong khi đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ người đi vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, theo quan điểm của YSVN, lãi suất cho vay có thể vẫn duy trì tương tự như mức ở hiện tại, hoặc có thể chỉ tăng nhẹ.
Tuy nhiên, sự tác động đối với từng ngân hàng sẽ khác nhau. YSVN cho rằng, các ngân hàng có tỷ lệ LDR (cho vay/huy động vốn) thấp như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh - HDBank (mã chứng khoán: HDB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (mã chứng khoán: VPB) sẽ ít bị áp lực hơn trong việc gia tăng chi phí huy động vốn so với các ngân hàng có tỷ lệ LDR cao.
YSVN cho rằng, các ngân hàng có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao như Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (mã chứng khoán: TCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - MB (mã chứng khoán: MBB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (mã chứng khoán: VCB), những ngân hàng này có khả năng hạn chế tốt những tác động tiêu cực đối với NIM khi chi phí huy động vốn gia tăng.
Hầu hết các ngân hàng đều đã công bố tỷ lệ CASA thấp hơn trong quý II/2022, nguyên nhân là do tín dụng bị eo hẹp trong quý này, khi các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu. Do đó, các ngân hàng không thể giải ngân và những người đi vay sẽ phải rút tiền gửi CASA để chi trả hoặc phân bổ vào những kênh đầu tư như bất động sản hay chứng khoán.
Theo chuyên viên phân tích tới từ YSVN Trần Tánh, CASA sẽ phục hồi tăng trở lại khi hạn mức tín dụng được tăng lên và điều này sẽ diễn ra vào cuối quý III/2022.
Việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn cũng sẽ tác động lên tỷ lệ NIM của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn từ 37% xuống còn 34% vào tháng 10/2022.
Do đó, các ngân hàng đang có tỷ lệ này ở mức cao sẽ phải giảm bớt, hoặc có thể các ngân hàng đó không còn nhiều dư địa để tăng tỷ lệ này lên và cải thiện NIM.
Mặt khác, các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn thấp như Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (mã chứng khoán: ACB), HDBank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB) và VPBank vẫn còn dư địa có thể cho vay và từ đó tăng NIM.
Về hoạt động kinh doanh, tổng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 27 ngân hàng niêm yết trong quý II/2022 đạt 51 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với quý I, nhưng vẫn tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận giảm so với quý trước chủ yếu do ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi bất thường trong quý I/2022, đáng chú nhất là khoản phí trả trước từ thỏa thuận bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) độc quyền của VPB.
Lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh; trong đó, thu nhập lãi ròng và thu nhập phí ròng tăng, và dự phòng giảm.
Thu nhập lãi ròng của toàn ngành ngân hàng tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 106 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng của 27 ngân hàng niêm yết tăng 10,2% tính từ đầu năm cho đến hết quý II/2022.
NIM quý II/2022 của toàn ngành tính theo bình quân tổng tài sản là 3,64%, tăng 12 điểm phần trăm so với quý I/2022 nhưng giảm 8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng dự phòng của các ngân hàng niêm yết là 29 nghìn tỷ đồng tăng 15% so với quý I/2022, nhưng giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là yếu tố giúp thúc đẩy lợi nhuận trong quý II/2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong ngắn hạn, các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận cao trong 6 tháng cuối năm 2022, do Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng nếu điều kiện thích hợp và NIM ổn định so với năm 2021.
Tuy nhiên, trong trung hạn vẫn còn những thách thức nhất định đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. SSI vẫn lạc quan về triển vọng lợi nhuận của ngành trong ngắn hạn nhưng giữ quan điểm trung lập về ngành trong năm 2023.
Dù thời gian gần đây, cổ phiếu ngân hàng có nhịp phục hồi, nhưng tính từ đầu năm các cổ phiếu ngân hàng đã giảm rất mạnh. Theo SSI, định giá của các ngân hàng thuộc phạm vi phân tích của công ty chứng khoán này đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm. Một số ngân hàng thậm chí đã có chỉ số P/B (Giá/Giá trị sổ sách) thấp hơn một độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm.
SSI tin rằng sự điều chỉnh này phản ánh cả môi trường lãi suất dần tăng lên cũng như một phần lo ngại liên quan đến rủi ro nợ xấu. Rủi ro tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản có thể xuất hiện từ năm 2023.
Do đó, SSI cho rằng khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh mạnh đối với cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 là không quá lớn, đặc biệt là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng khi điều kiện thị trường thuận lợi và lợi nhận trước thuế của các ngân hàng vẫn tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là quý III/2022. Đây có thể là những động lực tích cực cho ngành trong ngắn hạn.