Dự báo giá heo hơi ngày 5/8: Xu hướng giảm vẫn sẽ duy trì tại nhiều tỉnh thành trên cả nước?
Giá heo hơi hôm nay biến động trái chiều
Tại miền Bắc, giá heo hơi hôm nay tăng nhẹ ở một vài nơi. Theo đó, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình cùng điều chỉnh giá thu mua lên ngưỡng 69.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Mức giao dịch trung bình được ghi nhận tại các địa phương còn lại là 66.000 đồng/kg.
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên chứng kiến giá heo hơi hôm nay không ghi nhận quá nhiều thay đổi mới. Hiện tại, hầu hết các địa phương đều đang giao dịch ổn định trong khoảng 65.000 - 68.000 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thu mua heo hơi với giá 63.000 đồng/kg, thấp thứ hai trong khu vực. Riêng tỉnh Quảng Ngãi giảm 2.000 đồng/kg về mốc thấp nhất là 60.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Nam điều chỉnh giảm từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg. Cụ thể, các tỉnh Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai cùng hạ nhẹ một giá xuống còn 62.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg. Sau khi giảm 2.000 đồng/kg, thương lái tại Long An và Bạc Liêu đang cùng thu mua heo hơi tại mức 64.000 đồng/kg. Tương tự, tỉnh Cần Thơ hiện đang neo tại mức thấp nhất khu vực là 60.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg.
Bộ NN&PTNT: Ngành chăn nuôi còn phụ thuộc nhập khẩu
Tại Triển lãm quốc tế lần thứ 8 về Chăn nuôi, thú y, ngành sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản Việt Nam (ILDEX Viet Nam 2022), ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT cho hay sản phẩm chăn nuôi Việt Nam hiện nay không chỉ đáp ứng cho 100 triệu dân mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Một trong những điểm sáng của ngành là thu hút được những doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư. Trong đó, nhiều tập đoàn trong nước như: TH, Masan, Dabaco, Hùng Nhơn, Hòa Phát, Trường Hải… và nhiều tập đoàn lớn nước ngoài như: C.P, Japfa, Cargill, Deheus… có định hướng phát triển mô hình chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Tuy nhiên, ngành này còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. “Năm 2021, nước ta nhập khẩu trên 19 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đến nay, Việt Nam chỉ mới chủ động được một phần con giống, hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn con giống từ nước ngoài”, ông Thắng cho hay.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn phổ biến hoạt động giết mổ thủ công; quản lý an toàn thực phẩm chưa tốt; công tác kiểm soát dịch bệnh còn nhiều khó khăn…
Để tháo gỡ khó khăn, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực này, đồng thời tăng khả năng kết nối, giao thương với doanh nghiệp, hộ nông dân trong nước, ILDEX Viet Nam 2022 đã quy tụ 200 doanh nghiệp đến từ 31 quốc gia cùng kết nối với doanh nghiệp Việt để thúc đẩy hợp tác kinh doanh, nâng cao kỹ thuật trong ngành chăn nuôi.
“Triển lãm ILDEX Vietnam 2022 diễn ra từ 3-5/8 sẽ là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng hợp tác và phát triển sau những tác động của dịch COVID-19 vừa qua”, ông Thắng nhấn mạnh.