|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 2/6: Thị trường tiếp tục giảm?

18:30 | 01/06/2023
Chia sẻ
Giá heo hơi hôm nay (1/6) giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg trên diện rộng. Ghi nhận tại tỉnh Kon Tum, phương thức chăn nuôi còn lạc hậu, số lượng chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, điều kiện chuồng trại còn tạm bợ, không đảm bảo về vệ sinh và an toàn dịch bệnh.

Giá heo hơi hôm nay giảm cao nhất 2.000 đồng/kg

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc giảm 1.000 đồng/kg. Cụ thể, heo hơi tại các địa phương bao gồm Lào Cai, Nam Định và Hà Nam được thu mua với giá 57.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Sau khi giảm 1.000 đồng/kg, thương lái tại tỉnh Hưng Yên giao dịch ở mức 58.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại duy trì thu mua heo hơi với giá trong khoảng 58.000 - 59.000 đồng/kg. 

Giá heo hơi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trong đó, hai tỉnh Đắk Lắk và Thanh Hóa giao dịch heo hơi ở mức 57.000 đồng/kg, lần lượt giảm 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg. Thương lái tại các địa phương bao gồm Nghệ An, Quảng Nam và Khánh Hòa cùng giao dịch heo hơi ở mức 58.000 đồng/kg, giảm một giá. Các địa phương còn lại thu mua heo hơi với giá 54.000 - 60.000 đồng/kg.

Cùng thời điểm khảo sát, thị trường heo hơi tại miền Nam giảm cao nhất 2.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, tỉnh Đồng Tháp giao dịch ở mức 56.000 đồng/kg. Các địa phương bao gồm Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre và Kiên Giang thu mua heo hơi với giá 58.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Sau khi giảm 1.000 đồng/kg, 59.000 đồng/kg là mức giao dịch được ghi nhận tại các địa phương bao gồm Đồng Nai, Hậu Giang và Trà Vinh.

Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể tiếp tục giảm vào ngày mai do thị trường có nhiều biến chuyển bất lợi.

Ảnh minh họa: Anh Thư

Hàng loạt điểm nghẽn trong phòng, chống dịch

Ghi nhận tại tỉnh Kon Tum, phương thức chăn nuôi còn lạc hậu, số lượng chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, điều kiện chuồng trại còn tạm bợ, không đảm bảo về vệ sinh và an toàn dịch bệnh. Từ đó công tác phòng chống dịch gặp khá nhiều khó khăn, việc phát triển xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh khó triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, bệnh dịch tả heo châu Phi hiện nay chưa bán vacxin bán rộng rãi dù thời gian qua một số công ty đã nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin nhưng chưa triển khai tiêm phòng được đại trà nên dịch tả heo châu Phi vẫn luôn tiềm ẩn và nguy cơ bùng phát rất lớn.

Trong khi đó, Gia Lai là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chăn nuôi chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình (chiếm tới 70%), không đảm bảo được các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, do đó dịch bệnh rất dễ phát sinh, lây lan, khó kiểm soát và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi cũng như ngân sách nhà nước.

Đơn cử như năm 2019, bệnh dịch tả heo châu Phi đã làm chết, tiêu hủy hơn 30.000 con heo tại gần 3.500 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ước tính thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng và ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng.

Ngoài ra, các loại mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu, bò, lở mồm long móng gia súc vẫn lưu hành rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cùng với yếu tố điều kiện chăn nuôi không đảm bảo nêu trên nên rất dễ bùng phát dịch, theo Nông nghiệp Việt Nam.