Dự báo giá heo hơi ngày 16/6: Tiếp tục tăng ở cả ba miền?
Giá heo hơi hôm nay tăng cao nhất 3.000 đồng/kg
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc tăng từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg. Trong đó, 61.000 đồng/kg là giá thu mua được ghi nhận tại hai tỉnh Phú Thọ và Bắc Giang, tương ứng tăng 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg. Heo hơi tại hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên được giao dịch ở mức 62.000 đồng/kg, lần lượt tăng 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, giá heo hơi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng cao nhất 2.000 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Quảng Trị thu mua heo hơi với giá 57.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. 58.000 đồng/kg là mức giao dịch được ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk, sau khi tăng 2.000 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá thu mua được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng tăng 2.000 đồng/kg lên mức 60.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi tại miền Nam tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg. Sau khi tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg, tại các địa phương bao gồm Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Vũng Tàu, giá heo hơi là 60.000 đồng/kg. Cùng lúc, 59.000 đồng/kg là mức giao dịch tại các tỉnh Bình Phước, Kiên Giang và Hậu Giang, tăng 1.000 đồng/kg. Thương lái tại tỉnh Sóc Trăng điều chỉnh tăng một giá lên mức 58.000 đồng/kg.
Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể tiếp tục tăng vào ngày mai do thị trường có nhiều biến chuyển mới.
Bình Dương: Tăng cường kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có trên 900 cơ sở chăn nuôi trang trại, 32.861 hộ chăn nuôi với tổng đàn trâu bò trên 21.000 con, tổng đàn heo trên 972.000 con và tổng đàn gia cầm trên 12,7 triệu con. Trong đó, chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70% tổng đàn gia cầm toàn tỉnh.
Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, với tổng đàn chăn nuôi lớn, công tác quản lý còn ít nhiều khó khăn, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh tuy không nhiều nhưng nguy cơ lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vẫn đáng lo ngại. Mặc dù công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra giám sát được chi cục thực hiện hàng năm nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Thực tế, việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật. Việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản thật sự là vấn đề đáng lo ngại.
Trong thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các ngành liên quan quản lý tốt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, theo báo Bình Dương.