|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dự án thép hơn chục tỷ USD của Hoa Sen ở Ninh Thuận đã về tay ai?

07:42 | 19/05/2021
Chia sẻ
Sau khi chính thức rút khỏi dự án thép Cà Ná hồi tháng 7/2020, Tập đoàn Hoa Sen đã chuyển nhượng dự án này cho Trungnam Group.

Theo xác nhận từ phía CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), công ty đã nhận chuyển nhượng Tổ hợp dự án thép Cà Ná từ CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG). Giá trị thương vụ này đã không được tiết lộ.

Lý giải điều này, Tổng Giám đốc Trungnam Group cho biết "Trung Nam đang theo đuổi mảng năng lượng nên nhận chuyển nhượng dự án Cà Ná từ Hoa Sen". 

Đồng thời vị lãnh đạo còn chia sẻ đang xin chuyển nhượng dự án khu công nghiệp (KCN) Cà Ná thành KCN có phát triển mảng điện tử, làm sản phẩm bo mạch mà Trung Nam đang theo đuổi. 

Trước đó hồi tháng 7/2020, Tập đoàn Hoa Sen đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ phần vốn góp tại hai công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Cảng tổng hợp Quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (chủ đầu tư của Dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná), và Công ty TNHH Một Thành viên Đầu tư Hạ tầng Khu Công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (Chủ đầu tư của dự án Đầu tư hạ tầng KCN Cà Ná).

Hai công ty này có vốn điều lệ lần lượt là 33 tỷ đồng và 5 tỷ đồng, đều do Tập đoàn Hoa Sen góp 100%.

Lý do đột ngột xin rút khỏi dự án do tình hình đã không còn phù hợp với mục tiêu ban đầu của Hoa Sen khi xúc tiến đầu tư.

Thời điểm đó, Hoa Sen đã thống nhất giá trị chuyển nhượng dự án tổ hợp không được thấp hơn chi phí thực tế mà tập đoàn đã góp vốn vào các dự án tính đến thời điểm chuyển nhượng. Tổng vốn đầu tư dự án ước tính 10,6 tỷ USD, trong đó riêng phân kì đầu tiên cần số vốn khoảng 500 triệu USD, tức hơn 11.000 tỷ đồng.

Tập đoàn cũng xác định tập trung tìm các đối tác lớn, có năng lực tài chính đang triển khai dự án tại tỉnh Ninh Thuận để xúc tiến chuyển nhượng.

Theo quy hoạch ban đầu, Bộ Công Thương cho phép vùng Cà Ná được làm điện hạt nhân, vì tạm dừng, Bộ Công Thương và Chính phủ đồng ý bổ sung, bù đắp lại cho Ninh Thuận làm điện LNG Cà Ná và cảng tổng hợp, do địa thế cảng có mực nước sâu, điều kiện tự nhiên là cảng hở, phải xây kè chắn sóng.

Trở lại với Trungnam Group, đây là tập đoàn lớn thành lập vào năm 2004, sở hữu 15 công ty thành viên và tập trung chính vào 4 mảng gồm năng lượng, xây dựng, hạ tầng và bất động sản.

Trungnam Group nổi danh với các dự án năng lượng trong đó có thể kể đến dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW tại Ninh Thuận, dự án Điện gió Trung Nam công suất 152 MW tại Ninh Thuận,...hay dự án chống ngập do thủy triều tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng tại TP HCM,...

Dự án thép hơn chục tỷ USD của Hoa Sen ở Ninh Thuận đã về tay ai? - Ảnh 2.

Một phần của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP HCM do Trungnam Group làm chủ đầu tư. (Ảnh: Minh Hằng).

Minh Hằng