Dự án Làng đại học Đà Nẵng: Kỷ lục về chậm tiến độ
Một phần ba cuộc đời nhìn quy hoạch treo
Trong ngôi nhà cũ kỹ bên con đường làng nhỏ hẹp, ông Nguyễn Quang Bay (Tổ 61, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) kể, năm vừa rồi rộ lên thông tin Dự án Làng đại học Đà Nẵng chuẩn bị tái khởi động, gia đình ông và nhiều hộ trong tổ dân phố khấp khởi vui mừng vì họ sẽ biết được “số phận” của gia đình mình là di dời hay ở lại. Vậy mà chẳng thấy động tĩnh gì, dù sắp đến mùa mưa.
“Tui nghe nói năm nay sẽ di dời để làm dự án, nhưng không biết có thật không, hay như mấy lần trước. Giờ mọi người ở đây ai cũng mong sớm được giải tỏa, chứ nhà cũ dột tùm lum, tường nứt toác mà không được sửa. Chính quyền nếu không giải tỏa thì cũng nói cho bà con biết để còn liệu”, ông Bay nói.
Ông Bay đã hơn 60 tuổi, sống ở đây từ nhỏ, cho nên tính sơ ra, một phần ba quãng đời đã qua của ông chỉ để chờ đợi việc Dự án Làng đại học Đà Nẵng có được thực hiện, cũng như ngôi nhà của ông liệu có bị di dời hay không. Nhưng đợi mãi vẫn không thấy gì, trong khi đó nhà cửa dần cũ kỹ hư hỏng, nhưng ông không thể sửa chữa hay xây mới lại vì vướng những quy định liên quan về đất quy hoạch dự án.
Ông Nguyễn Bé, một hộ dân khác trong Tổ 61 cũng chung cảnh ngộ. Căn nhà cấp 4 của ông Bé lụp xụp, bị dột mưa và thấm nước còn cả hơn căn nhà của ông Bay. Tuy vậy, vợ chồng ông không thể sữa chữa hay xây mới được. “Để như thế này mấy chục năm rồi. Năm nay tui định xin đổ tấm mê chống bão, nhưng không biết chính quyền phường có cho không”, ông Bé trầm ngâm.
Nỗi niềm trên là tình cảnh chung của tất cả các hộ dân Tổ 61 và gần 500 hộ dân khác của phường Hòa Quý nằm trong diện di dời giải tỏa để dành đất cho Dự án Làng đại học.
Ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý thừa nhận, dự án “treo” quá lâu đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân và chính quyền địa phương. “Tôi cũng lên đài, báo nói nhiều lần rồi, mong rằng, Thành phố và cơ quan chức năng tiến hành nhanh dự án này để bà con được ổn định cuộc sống”, ông Huỳnh Kim nói.
Dự án vẫn phải đợi
Dự án Làng đại học Đà Nẵng do Đại học Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997, với quy mô lên đến 300 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng. Trong đó, 190 ha trên địa bàn xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (nay là phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), còn lại 110 ha thuộc phường Hoà Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng).
Nguyên nhân gây chậm tiến độ là do Dự án có quy mô lớn, vốn lớn, lại liên quan đến địa giới 2 địa phương, nên thủ tục phức tạp. |
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, Dự án mới chỉ có 3 cơ sở được hoàn thiện cơ bản, gồm Trường cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt - Hàn, Khoa Y Dược, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Đà Nẵng).
Một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ là do Dự án có quy mô lớn, nguồn vốn lớn, lại liên quan đến địa giới 2 địa phương, cũng như liên quan nhiều bộ, ngành nên thủ tục phức tạp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và điều chỉnh lại quy hoạch dự án.
Trong cuộc họp mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) và thành lập Hội đồng GPMB riêng cho phần dự án thuộc phạm vi Đà Nẵng. Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thành phương án khu tái định cư để báo cáo UBND Thành phố và xác định thời điểm giao đất cho người dân thuộc diện di dời. Tuy vậy, đó chỉ là những nỗ lực của phía chính quyền TP. Đà Nẵng, phần quan trọng nhất vẫn thuộc về chủ đầu tư dự án là Đại học Đà Nẵng.
“Thành phố đang hỗ trợ tích cực Đại học Đà Nẵng thực hiện GPMB cho Dự án. Tuy nhiên, công tác GPMB Dự án lại phụ thuộc vào kinh phí của Đại học Đà Nẵng và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu được bố trí kinh phí đền bù, thì Thành phố sẽ giao ngay quận Ngũ Hành Sơn thực hiện khâu đền bù giải tỏa”, ông Nguyễn Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng thông tin.
PGS-TS. Ngô Văn Dưỡng, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Đà Nẵng đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh lại quy hoạch Dự án, do quy hoạch cũ trước đây đã không còn phù hợp.
Đối với phần đất thuộc địa giới hành chính Đà Nẵng (110 ha), sau điều chỉnh còn lại hơn 90 ha (đã GPMB được 25 ha), Thành phố cũng đã có phương án GPMB và bố trí tái định cư. Riêng phần phía Quảng Nam, có một số khu dân cư mật độ quá dày, việc GPMB bất khả thi, nên Dự án phải điều chỉnh giảm quy mô 30 ha, xuống còn 160 ha.
“Hiện Đại học Đà Nẵng đã gửi Bộ Xây dựng xin phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Sau khi phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, thì mới bắt tay điều chỉnh từng phân khu rồi mới xây dựng dự án”, ông Dưỡng nói.
Khó khăn nhất vẫn là vốn. Theo ông Dưỡng, Chính phủ đã chỉ đạo, Dự án sẽ được bổ sung nguồn vốn trung hạn để thực hiện công tác GPMB, xây dựng hạ tầng cơ bản và xây dựng một số công trình cấp bách, tiến độ thực hiện từ nay cho đến năm 2020, đồng thời cho phép Đại học Đà Nẵng vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 100 triệu USD.
“Đại học Đà Nẵng đang xúc tiến với WB để vay vốn. Nếu được chấp thuận, phải đến năm 2020 mới có vốn triển khai. Riêng phần đề xuất bổ sung nguồn vốn trung hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Đà Nẵng đã trình đề xuất lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để Bộ xin ý kiến Quốc hội phê duyệt. Phải có nguồn vốn này mới khởi động lại được Dự án”, ông Dưỡng thông tin.