Dự án điện mặt trời tại Bình Định đấu nối 415 MWp công suất vào lưới điện quốc gia
Theo Sở Công Thương Bình Định, địa phương này hiện có 5 dự án điện mặt trời (ĐMT) nối lưới đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 529,5 MWp.
Đến cuối năm 2020, tổng công suất các nhà máy ĐMT nối lưới trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đưa vào vận hành phát điện là 415,5 MWp. Hiện còn một dự án đang triển khai giai đoạn 2 với quy mô công suất 114 MWp.
Cũng theo Sở Công Thương, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và hộ dân đã đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà (ĐMTMN).
Để việc đầu tư phát triển ĐMTMN đảm bảo theo quy định, Sở Công Thương đã có các văn bản triển khai đến các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh về hướng dẫn thực hiện việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN, tăng cường quản lý việc phát triển hệ thống ĐMTMN trên địa bàn tỉnh.
Tính đến hết ngày 31/12/2020, Bình Định có 2.091 hệ thống ĐMTMN đã đưa vào vận hành với tổng công suất 221,61 MWp. Trong đó có 246 hệ thống ĐMTMN có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên với tổng công suất 205 MWp.
Riêng đối với hệ thống ĐMTMN lắp trên các mái nhà xưởng tại các khu công nghiệp là 23 hệ thống, với tổng công suất 24,08 MWp và lắp đặt trên công trình trang trại là 63 hệ thống với tổng công suất 60,925 MWp.
Việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN giúp giảm chi phí tiền điện hàng tháng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, đồng thời góp phần giảm tổn thất điện năng truyền tải, phân phối và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Sở Công Thương cho biết, hiện vẫn còn một số công trình trang trại chưa hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; các chủ đầu tư chưa tổ chức triển khai sản xuất hết phần diện tích đất đã lắp pin năng lượng mặt trời theo loại hình kinh tế trang trại đã đăng ký, hiện đang tiếp tục hoàn thiện mô hình kinh tế trang trại và có một công trình có một phần khối lượng pin lắp trên công trình xây dựng nhưng chưa có mái.
Ngoài ra, một số hệ thống ĐMTMN có tuyến đường dây trung áp đấu nối nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục thỏa thuận vị trí cột điện theo quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 14/02/2017 của UBND tỉnh về một số thủ tục liên quan đến tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Bộ Công Thương cần sớm ban hành quy định về trình tự, thủ tục đầu tư phát triển ĐMTMN. Trong đó cần quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị để có cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý.