Dự án BT đổi đất cho đại gia, sai phạm ở tất cả các khâu
Ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, đã nhận xét như vậy khi trao đổi với PV.VietNamNet về hình thức đổi đất lấy hạ tầng gây xôn xao thời gian qua.
Xảy ra sai sót ở tất cả các khâu
- Chủ trương đổi đất lấy hạ tầng được nhiều địa phương triển khai như là một trong những biện pháp để giải bài toán thiếu vốn xây dựng cơ bản, tuy nhiên thời gian qua cũng bộc lộ nhiều sai phạm. Cụ thể đó là những sai phạm gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Thành: BT là một trong các hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) triển khai ở Việt Nam thời gian qua, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương; đồng thời giảm áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Song đây là một chính sách mới, chứa đựng các rủi ro nhất định trong quá trình tổ chức thực hiện trong khi các dự án theo loại hình đầu tư này liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tác động không hề nhỏ tới kinh tế - xã hội. Do vậy, Kiểm toán Nhà nước đã và đang tập trung, đẩy mạnh việc kiểm toán các dự án BT, đặc biệt là các dự án thực hiện theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng.
Nhờ áp dụng hình thức đầu tư BT, nhiều công trình giao thông mới, hiện đại được xây dựng |
Kết quả kiểm toán tại 35 dự án, kiến nghị xử lý tài chính 7.453 tỷ (có dự án tỷ lệ xử lý tài chính chiếm 27% giá trị được kiểm toán), việc thực hiện các dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ và minh bạch; cơ chế, chính sách chưa thật sự rõ ràng nên dễ tạo lỗ hổng thất thoát ngân sách và tài sản công.
- Ông có thể nói cụ thể hơn?
Các dự án BT bản chất là sử dụng nguồn lực nhà nước nhưng nhiều dự án không thực sự cần thiết, cấp bách được đề xuất đầu tư theo hình thức này là chưa phù hợp. Hầu hết dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực; giao cho nhà đầu tư lập, phê duyệt dự án và hồ sơ thiết kế, dự toán; có dự án việc chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng cùng lúc với quyết định chấp thuận thông qua đề xuất dự án, đây là khe hở làm đẩy giá trị công trình lên cao.
Nhiều dự án thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất qua đấu giá là chưa phù hợp quy định và giá đất quá thấp so với giá trị trường, là kẽ hở dẫn đến thất thoát NSNN; chấp thuận tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất cao hơn so với báo cáo nghiên cứu khả thi, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư; hồ sơ hợp đồng BT không thỏa thuận các nội dung liên quan đến xác định chi phí lãi vay; tính lãi vay trên cả phần vốn không phải đi vay,... để đưa vào quyết toán không đúng quy định;...
Ngoài ra, việc giao cho nhà đầu tư toàn quyền thực hiện dự án từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát trong khi công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên, đầy đủ, dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát lớn trong quá trình thực hiện dự án,...
Lợi dụng bất cập, sơ hở của chính sách
- Xin ông cho biết đâu là lý do khiến tình trạng gia tăng, đặc biệt khi có những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vấn đề pháp lý?
Nguyên nhân dẫn đến các sai phạm nêu trên rất đa dạng, phụ thuộc vào từng đơn vị, dự án được kiểm toán, song có thể kể đến ba nguyên nhân cơ bản sau:
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành phát biểu chỉ đạo tại một cuộc họp của Kiểm toán Nhà nước |
Một là, do cơ chế, chính sách về đổi đất lấy hạ tầng và quản lý dự án BT nói còn có bất cập, sơ hở có thể bị lợi dụng gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.
Hai là, một số cá nhân, đơn vị và địa phương chấp hành không nghiêm các quy định hiện hành về quản lý tài chính công, tài sản công và quản lý dự án BT; có hiện tượng “lách” luật để thu lợi bất chính.
Ba là, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các dự án đổi đất lấy hạ tầng, trong đó có dự án BT có lúc, có nơi bị buông lỏng; tạo môi trường cho các cá nhân tổ chức vi phạm gây thất thoát, lãng phí ngân sách.
- Vậy, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị những giải pháp nào để có thể khắc phục tình trạng này?
Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành, địa phương:
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức BT, nhất là việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư, như: sửa đổi, bổ sung quy định dự án BT phải tuân thủ trình tự, quy định thực hiện đầu tư như đối với dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN; quy định rõ việc thanh toán đối với các dự án BT, cách tính lợi nhuận, tỷ suất lợi nhận nhà đầu tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, vốn vay và tỷ lệ chi phí quản lý dự án…
Trường hợp thanh toán bằng giá trị tài sản công (quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản công khác) thì phải tổ chức đấu giá đồng thời dự án BT và tài sản công nhằm đảm bảo nguyên tắc ngang giá và tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Nhiều dự án thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất qua đấu giá là chưa phù hợp quy định và giá đất quá thấp |
Thực hiện công khai, minh bạch một cách thực chất các thông tin chi tiết về dự án và thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo cạnh tranh và hiệu quả đầu tư dự án.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án BT, nhất là các dự án đổi đất lấy hạ tầng.
- Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị một số địa phương rà soát việc sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT, đồng thời kiến nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng đất công thanh toán cho nhà đầu tư kể từ 01/01/2018 cho đến khi Nghị định quy định việc này có hiệu lực thi hành. Vậy, tới đây, trong kế hoạch của mình, Kiểm toán nhà nước có tiếp tục kiểm toán việc chuyển đổi đất lấy hạ tầng nữa không?
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiểm toán dự án BT, trong đó có các dự án đổi đất lấy hạ tầng, là trọng tâm hàng đầu trong hoạt động kiểm toán. Chúng tôi sẽ thực hiện kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT” với quy mô và phạm vi rộng tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Thanh Hóa) và lồng ghép kiểm toán trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương tại tất cả các tỉnh, thành phố được kiểm toán trong năm 2019.
Kiểm toán nhà nước sẽ đánh giá toàn diện hơn việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư theo hình thức BT, sự cần thiết và lợi thế của hình thức BT này so với các loại hình đầu tư khác, về sử dụng quỹ đất để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư, việc chấp hành các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho dự án… Từ đó, kịp thời kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện, bịt những lỗ hổng về cơ chế, chính sách đối với hình thức đầu tư BT.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/